Sao cứ phải học ai?
Ai cũng nói về một cơn khủng hoảng, khi ĐT Hà Lan liên tiếp vắng mặt tại EURO 2016 và World Cup 2018. HLV Ronald Koeman nhớ lại: “Ai cũng bảo chúng tôi cần thay đổi cả hệ thống. Phải học cách làm của Đức hoặc Bỉ. Nhưng bóng đá là vậy”. Giờ thì không thấy sự kêu gọi phải học người Đức nữa.
Trong tư cách ĐKVĐ, Đức bị loại khỏi World Cup 2018 ngay sau vòng bảng. Và Đức... rớt hạng ở Nations League, thua chính Hà Lan. Bây giờ, người ta lại nhìn vào đội bóng do Koeman dẫn dắt và bình luận cứ như đúng rồi: bóng đá Hà Lan là phải như thế!
Học hỏi, thay đổi, đều có thể là điều tốt đẹp. Vấn đề là chỉ thay những gì cần thay, và học sao cho đúng cách mà thôi. Sở dĩ bóng đá Hà Lan luôn nổi tiếng về sự sáng tạo là bởi con người và xã hội Hà Lan vốn dĩ như vậy. Phải hiểu câu nói của Koeman theo nghĩa: học không phải là nhìn vào một nền bóng đá đang thành công và rập khuôn, làm đúng những gì họ làm.
Trong cách dạy và học của người Hà Lan, mà cụ thể ở đây là cách đào tạo cầu thủ trẻ, họ không bao giờ áp đặt. Sự sáng tạo luôn được khuyến khích. Cũng có thể nói, cầu thủ Hà Lan là những người tự giáo dục và tự chịu trách nhiệm về mình.
Giám đốc phát triển bóng đá Art Langeler phát biểu tại trung tâm đào tạo các đội tuyển trẻ của LĐBĐ Hà Lan (KNVB): “Chúng tôi giống như các hướng dẫn viên. Chúng tôi luôn muốn nghe các cầu thủ hỏi ngược: tại sao họ phải làm thế này, thế kia. Chúng tôi muốn các cầu thủ phải tự chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính họ, hơn là nhào nặn họ”.
Đấy là nguyên tắc của KNVB, nơi huấn luyện các đội trẻ quốc gia theo những độ tuổi khác nhau. Nguyên tắc huấn luyện của KNVB khá tương đồng với cách đào tạo trẻ của CLB. Có rất nhiều HLV làm việc cho KNVB thường xuyên được cử đến các CLB để tham gia các buổi tập và đàm luận với ban huấn luyện của CLB.
Trong khi ĐT Hà Lan hiện nay đang gây ấn tượng với những De Ligt, De Jong, Van Dijk... thì vài năm nữa, có thể sẽ lại xuất hiện một làn sóng mới, gồm những ngôi sao vươn lên từ lứa trẻ mới nhất, vừa đoạt chức vô địch U17 châu Âu. Bóng đá Hà Lan luôn sản sinh ra những lứa trẻ đầy tài năng? Đây thật ra chỉ là bình luận của Koeman. Việc Frank de Boer nói khác (khi có khi không, theo chu kỳ) cũng cho thấy đặc điểm không hề giáo điều của người Hà Lan. Ai cũng nói thẳng suy nghĩ riêng của mình.
Hãy chuyển nhượng và đi thật xa
Nói về bóng đá Hà Lan là phải nói về cố huyền thoại Johan Cruyff. Người Brazil không có gì để học hỏi từ Pele. Argentina cũng vậy, với Alfredo Di Stefano hoặc Diego Maradona. Hoặc bóng đá Pháp với Michel Platini. Tóm lại, không có bất kỳ cầu thủ vĩ đại nào từng để lại ảnh hưởng to lớn đến cả một nền bóng đá như Cruyff.
Vấn đề là: đã nhiều lần, Cruyff bị giới bóng đá Hà Lan phản đối. Ngày xưa, các cầu thủ Ajax bỏ phiếu chọn thủ quân, và Piet Keizer được chọn. Cruyff giận dữ, bỏ sang Barcelona. Sau này, Jan Jongbloed và Edwin Van der Sar kịch liệt phản đối tư tưởng của Cruyff, rằng đá 11m thì không thể tập. Họ kêu gọi điều ngược lại, và Hà Lan có được chiến thắng đầu tiên trong màn đá luân lưu, tại EURO 2004.
Marco Van Basten cũng từng “đụng” Cruyff ở Ajax. Nói vậy để thấy: ngay cả Cruyff cũng không hề là “luôn đúng” trong suy nghĩ của giới bóng đá Hà Lan. Và đấy là một phần nguyên nhân giúp bóng đá Hà Lan nhanh chóng trỗi dậy sau cơn khủng hoảng vừa qua.
Hà Lan là phải tấn công, giữ bóng nhiều, đá để thắng? Nhưng De Boer bàn thêm, về thành tích vào đến bán kết World Cup 2014 của ĐT Hà Lan: “Có thể HLV Louis Van Gaal đã nhận ra rằng đội bóng của ông yếu về phòng thủ. Van Gaal phải bố trí sơ đồ có 5 hậu vệ”. Nhờ tài cầm quân của Van Gaal mà Hà Lan gặt hái thành tích cao hơn khả năng thực tại World Cup 2014.
Bây giờ cũng vậy. Koeman luôn hô hào tinh thần Cruyff, tinh thần tấn công của bóng đá Hà Lan. Nhưng ông lại xây dựng đội tuyển của mình từ nền tảng phòng ngự. Sau khi hài lòng về De Ligt và Van Virgil dưới hàng thủ, Koeman mới nghiền ngẫm đến Wijnaldum, De Jong, Van de Beek ở khu giữa sân. Trên bề mặt, có vẻ như Hà Lan hiện nay vẫn chưa vươn đến mức độ tối ưu có thể. Giới hâm mộ Hà Lan chỉ có thể hoàn toàn hài lòng về đội tuyển của họ khi nào Oranje có được một công thức xem được, cho hàng tấn công.
Tìm đâu ra những cá nhân xuất sắc? Koeman luôn khuyến khích các cầu thủ trẻ... đi đá thuê ở những CLB lớn. Ông kể: “Khi một tuyển thủ Hà Lan hỏi tôi, điều gì là tốt nhất cho họ, tôi luôn bảo họ hãy chọn CLB tốt nhất cho mình”.
Nghĩa là cứ chạy theo mức lương khủng ở Barcelona hoặc Real Madrid, mặc kệ “cái nôi” Ajax của mình? Đại khái như thế. Koeman khuyến khích các cầu thủ trẻ ra đi để có cuộc sống tốt đẹp (nói thẳng là có nhiều tiền), cũng để gặt hái kinh nghiệm trận mạc và hiểu biết thêm về thế giới xung quanh nữa.
Ông nói: “Tôi biết nỗi khổ của các CLB trong nước”. Nhưng ông cũng có vẻ hào hứng: “Hồi xưa, tôi đến Barcelona ở tuổi 26. Bây giờ, bọn trẻ mới 19 tuổi là đã chuyển nhượng được rồi”!
Phải lùi rồi mới tiến được Đây không phải là lần đầu tiên ĐT Hà Lan trở lại sau một cơn khủng hoảng, với những ngày tháng rực rỡ diễn ra ngay trước đó. Sau 2 kỳ World Cup liên tiếp vào đến chung kết (trong thập niên 1970), ĐT Hà Lan cũng đã liên tiếp vắng mặt ở các giải lớn trong giai đoạn 1982-1986. Frank de Boer nói: “Chúng tôi là một nước nhỏ, luôn có những chu kỳ thăng, trầm. Đôi khi cần một bước lùi để có được bước tiến tiếp theo”. Biểu tượng De Ligt Ở tuổi 19, Matthijs de Ligt là biểu tượng cho thời kỳ phục hưng hiện tại của bóng đá Hà Lan. Anh là hậu vệ đầu tiên (và duy nhất đến nay) đoạt giải Cầu thủ trẻ hay nhất châu Âu (Golden Boy). Anh là cầu thủ trẻ nhất xưa nay từng thi đấu ở trận chung kết của một trong ba cúp châu Âu (Europa League 2017); cầu thủ trẻ nhất từng mang băng thủ quân ở Champions League; cầu thủ trẻ nhất đạt đến cột mốc đá 100 trận cho Ajax; và cầu thủ trẻ nhất từ năm 1931 khoác áo đội Hà Lan. |