Từ Bayern Munich hùng mạnh cho đến những Schalke 04, Leverkusen hay Dortmund… đều đặn mỗi năm lại xuất xưởng ra 1, 2 cầu thủ khiến các chuyên gia săn đầu người phải tặc lưỡi khen ngợi. Gần đây vẫn xuất hiện một số cái tên như Joshua Kimmich là đến từ VfB Stuttgart, Julian Brandt đến từ Leverkusen hay Leroy Sane phát triển lên từ Schalke 04. Đã có một khoảng thời gian dài, bóng đá Đức và hệ thống đào tạo trẻ của họ là hình mẫu và nỗi thèm thuồng của cả thế giới. Nhưng rồi, trong suốt một năm qua, những gì mà chúng ta đang được chứng kiến là cảnh người Pháp lặng lẽ thay người Đức chiếm lấy vũ đài đào tạo trẻ.
Các cầu thủ Pháp và những ngôi sao trẻ của Pháp mới là trung tâm của thế giới chuyển nhượng hôm nay chứ không phải là người Đức, Hà Lan, hay Brazil trong quá khứ nữa. Cái cách mà Pháp “chiếm diễn đàn” cũng rất đáng nể. Pháp bứt lên một cách rất mạnh và dàn rất đều. Cho đến khi cả thế giới sửng sốt nhận ra rằng, tất cả các bản hợp đồng bom tấn, tất cả những cầu thủ có giá trị nhất trên thị trường chuyển nhượng đều mang quốc tịch Pháp thì mọi người đều ngã ngửa.
Barcelona mua Ousmane Dembele với giá 105 triệu euro, đó chính là cầu thủ đắt nhất lịch sử CLB xứ Catalunya, Manchester United mua Paul Pogba với cái giá 120 triệu euro cũng là kỷ lục lịch sử Manchester United lẫn Ngoại hạng Anh, trước đó họ cũng gây bất ngờ với việc chiêu mộ Anthony Martial khi ấy hoàn toàn vô danh với giá 51 triệu euro (anh cũng là người Pháp nốt), Bayern Munich đem về Tolisso với tổng số tiền chuyển nhượng bao gồm thuế, phí, và thưởng lên đến 50 triệu euro. Đặt cạnh Pogba hay Dembele thì có vẻ nhỏ nhưng thực tế 50 triệu euro đó là con số cao nhất lịch sử Bundesliga. Và đương nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến Kylian Mbappe từ Monaco đến PSG theo dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt với cái giá … 180 triệu euro. Và giả sử như mùa hè vừa qua Antoine Griezmann mà qua Barcelona, thì bây giờ người Pháp đã có “bộ sưu tập hàng trăm triệu”. Từ trước tới giờ, chỉ có Pháp mới sở hữu được hàng công kim cương đó.
Điều đó nói lên rằng, các cầu thủ trẻ của Pháp đang là xu thế của thị trường bây giờ. Họ luôn phù hợp với các chiến thuật bóng đá trên khắp thế giới, luôn sẵn sàng thử thách, và đi đến đâu cũng biết cách thích ứng môi trường dù là Anh, Ý, Đức hay là Tây Ban Nha. Sâu xa, cũng bởi League 1 quá thiếu tiền nên các CLB hoạt động không gì tốt hơn là đào tạo trẻ và bán ngôi sao đi để có tiền hoạt động.
Bóng đá Đức thì khác, họ được chính phủ hậu thuẫn. Ngoài ra, họ còn có Bayern Munich, và gã khổng lồ của bóng đá Đức thì luôn có cách mua về với cái giá phải chăng giữa cơn bão giá, biết cách giữ rịt lấy bằng truyền thống và lối chơi, rồi sau đó biến họ thành huyền thoại không đi đâu cả (ví dụ đội trưởng Manuel Neuer xuất thân từ Schalke 04). Tuy nhiên bài học của Toni Kroos ở Real Madrid đã cho thấy rõ bóng đá Đức trong thời đại toàn cầu hóa này phải đi thêm một bước nữa, hơn là cứ phó mặc số phận vào tay Bayern mãi.
Một điều vẫn phải nhắc lại: kết quả hay tiền bạc không phải là điều trọng tâm trong đào tạo trẻ, đó phải là nền tảng. Đức hay Pháp đều đã từng đi qua giai đoạn đổ nát, nhưng chỉ cần kiên gan với các cầu thủ trẻ, ngày họ ngẩng đầu mỉm cười cũng đến. Bài học ấy, cả thế giới đều phải nghiêng người.