Rất nhiều người cho rằng các đội bóng lớn đang có một kỳ World Cup kém ấn tượng. Tôi có thể khẳng định với các bạn rằng mình hiểu vấn đề này rất rõ. Đây là câu chuyện từng xảy ra với ĐT Pháp vào năm 2002. Hồi ấy chúng tôi dự giải đấu trên đất Nhật Bản Hàn Quốc với tư cách đội vô địch thế giới cũng như châu Âu. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong đội hình ĐT Pháp lúc bấy giờ có Thierry Henry, David Trezeguet và Djibril Cisse là 3 tiền đạo mới giành danh hiệu vua phá lưới ở Anh, Italia và Pháp.
Với thực tế như vậy, đương nhiên Pháp được đánh giá là ƯCV hàng đầu cho ngôi vô địch. Khi chỉ phải so tài với những đối thủ làng nhàng cỡ Senegal (đội mới lần đầu được dự World Cup), Uruguay và Đan Mạch, ai cũng nghĩ chúng tôi chẳng gặp trở ngại nào và sẽ dễ dàng kết thúc vòng bảng với vị trí thứ nhất.
Messi khoe bùa may mắn giấu dưới chân sau trận thắng Nigeria |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Tuy nhiên, rút cục Pháp lại phải sớm rời giải chỉ sau 3 trận đấu và không ghi nổi bàn thắng nào. Đây rõ ràng là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Tất nhiên, cũng có những lý do để biện hộ cho sự tệ hại của Les Bleus. Chẳng hạn như việc ngôi sao quan trọng nhất của chúng tôi là tiền vệ Zinedine Zidane bị chấn thương và chỉ tái xuất ở lượt trận cuối vòng bảng.
Đó là lúc ĐT Pháp đã bị đẩy vào tình thế khó, bởi chúng tôi để thua Senegal 0-1 ngay ở trận ra quân. Trận đấu này tạo ra cú sốc lớn và có lẽ đây là một trong những bất ngờ lớn nhất ở sân chơi World Cup. Là nhà vô địch thế giới, vậy mà chỉ sau một trận thua chúng tôi đã đột nhiên phải đối mặt với hàng tá câu hỏi.
Với tư cách thủ quân ĐT Pháp khi ấy, tôi đã cảm nhận cả đội gặp vấn đề ngay sau trận đấu với Senegal. Chúng tôi có vài cuộc họp bàn để cố gắng làm rõ những khúc mắc cũng như lấy lại sự tự tin. Đáng tiếc, mọi thứ lại diễn ra không như mong đợi. Dù gì đi nữa, tôi vẫn bị choáng ngợp bởi cái cách ĐT Pháp sụp đổ quá nhanh chóng. Có lẽ vấn đề ở đây là áp lực dành cho nhà vô địch quá lớn. Khi đã ở trên đỉnh thế giới, bạn luôn cảm thấy sợ thất bại khi phải chạm trán với bất kỳ đối thủ nào.
Căn cứ vào thực tế trên, có thể khẳng định việc lên ngôi ở 2 kỳ World Cup là điều vô cùng khó. Nếu bạn còn nghi ngờ về điều này, hãy cứ nhìn xem những gì đã xảy ra với Tây Ban Nha và Đức ở 2 kỳ World Cup gần đây. Cũng giống như một VĐV tennis với đôi tay run rẩy bất lực trong việc kết thúc trận đấu, trong bóng đá, nỗi sợ hãi có thể khiến bạn đánh mất tất cả.
Với Argentina, đội được xem một trong những ƯCV nặng ký nhất trước khi World Cup 2018 khởi tranh, tôi nghĩ ở đây cũng có sự khác biệt. Theo tôi, chúng ta không nên nói về những vấn đề mà đội bóng xứ Tango phải đối mặt, bởi điều đó cùng đồng nghĩa với việc chỉ trích Lionel Messi. Cầu thủ này muốn cho cả thế giới thấy cậu ấy có thể đưa ĐT Argentina tới vinh quang, nhưng lại đá hỏng quả 11m trong trận đấu với Iceland.
Dù Messi cũng ghi 1 bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Nigeria ở lượt trận cuối, Argentina vẫn đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi World Cup 2018 cho tới khi trận đấu quyết định với đại diện châu Phi chỉ còn 5 phút nữa là kết thúc. Tất cả chúng ta đều biết Messi là một cầu thủ tuyệt vời nhưng lại đang gặp phải rắc rối.
Không giống với môi trường lý tưởng ở Barca, ĐT Argentina với Messi bây giờ chỉ là một mớ hỗn độn. Dường như cậu ấy không thích hợp với tập thể này. Đúng là Argentina đang sở hữu rất nhiều tiền đạo tài năng, nhưng họ lại không biết làm sao để khai thác hết tiềm năng của những cầu thủ xuất chúng đó. Không rõ vấn đề ở đây nằm ở hệ thống chiến thuật hay khía cạnh tinh thần.
Thực ra trong quá khứ cũng có những trường hợp một đội bóng khởi đầu chậm chạp mà cuối cùng vẫn lên ngôi. Ví dụ gần nhất là Tây Ban Nha từng thua Thụy Sỹ ở vòng bảng World Cup 2010, nhưng vài tuần sau đó họ đánh bại Hà Lan trong trận chung kết. Tuy nhiên, tôi không thấy Argentina hiện giờ có nét gì đó giống với Tây Ban Nha năm ấy. Đừng quên, đội bóng này phải rất vất vả mới vượt qua được vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ và mới thảm bại 1-6 dưới tay Tây Ban Nha cách đây không lâu.
Bây giờ tôi vẫn giữ được ký ức về thắng lợi của ĐT Argentina tại World Cup 1978. Đó là đội bóng có những mắt xích chất lượng như Mario Kempes, Osvaldo Ardiles trong đội hình. Đến năm 1986, Argentina tiếp tục giành cúp vàng thế giới với thế hệ của những Jorge Burruchaga, Jorge Valdano và Diego Maradona. Ngày nay, Argentina không còn sở hữu lực lượng đáng mơ ước. Nếu xem những gì đội bóng này thể hiện trong 3 trận đấu vừa qua, bạn không thể xếp họ vào nhóm 5 hay 6 đội mạnh nhất được.
Tôi tôn trọng Argentina, nhưng vẫn phải khẳng định họ chứ không phải Croatia mới là đối thủ dễ chịu hơn dành cho Pháp ở vòng 1/8 World Cup 2018. Thật ra mà nói, Pháp vẫn chưa mang lại sự lạc quan cho các CĐV, nhưng tôi vẫn tin đội bóng quê hương mình còn có những vũ khí bí mật chưa sử dụng. Tôi nghĩ khi gặp Argentina, Pháp sẽ phô diễn được hết sức mạnh.
Ở vòng đấu bảng, sở dĩ Pháp chưa đáp ứng được sự kỳ vọng là do chúng tôi toàn gặp những đối thủ chỉ chú trọng phòng ngự. Hy vọng trận đấu vào thứ Bảy này sẽ khác. Nhân đây, tôi cũng muốn nói nhanh về ĐT Anh. Đây là đội bóng đã cho thấy khả năng ghi bàn đáng nể ở kỳ World Cup lần này.
Có người nói Panama chỉ là cái tên tầm thường nên Tam sư mới có thể tạo ra cơn mưa bàn thắng, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Theo tôi, đây là một đội bóng đầy tiềm năng. Họ đủ khả năng gặt hái được nhiều thành công ở World Cup 2018 và xa hơn một chút là EURO 2020.
Cuối cùng, tôi cũng muốn nói đôi lời ngắn gọn về Panama. Tôi không thích quan điểm cho rằng World Cup là sân chơi không dành cho những đội bóng thấp cổ bé họng. Hãy nhìn xem họ tạo ra bầu không khí cuồng nhiệt đến thế nào khi chọc thủng lưới ĐT Anh dù thua đến 1-6.
Bạn vẫn giữ thái độ lạnh lùng khi chứng kiến Felipe Baloy dứt điểm tung lưới ĐT Anh ư? Bạn không muốn hòa mình vào bầu không khí lễ hội lúc đó ư? Đừng có tự dối lòng mình. Với tôi, mọi khoảnh khắc ở World Cup đều có nét đẹp riêng và đó là điều khiến đây trở thành sân chơi vô cùng hấp dẫn.
Nhận định & Bình luận trận Pháp - Argentina |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |