Lionel Messi: Nỗi thống khổ của ngôi sao cô đơn
Đầu mùa 2018/19, Messi tuyên bố sẽ vô địch Champions League cùng Barcelona nhưng lời hứa ấy đã bị thổi bay trên sân Anfield. Bây giờ, anh đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều: vô địch Copa America 2019 cùng ĐT Argentina, nơi Messi chẳng dám hứa gì bởi ở tập thể này anh thất bại triền miên.
Nếu được phép chọn lựa lại, không biết chừng Lionel Messi sẽ từ chối khoác áo ĐT Argentina, mảnh đất mà gia đình anh lìa xa từ khi còn lại một cậu thiếu niên mang trong mình căn bệnh hiếm. Tình yêu duy nhất của anh chính là Barcelona, nơi cưu mang, dạy dỗ, tạo điều kiện cho anh phát triển thành ngôi sao xuất chúng nhất thế giới và là huyền thoại vĩ đại nhất của đội bóng.
Câu chuyện của Messi là một mối mâu thuẫn giằng xé. Sinh ra ở Nam Mỹ, lớn lên và trưởng thành tại châu Âu, Messi không có chút gì gọi là chất Argentina trong người, ngoại trừ quốc tịch, huyết thống và những món ăn xứ sở vẫn được bà mẹ nấu cho ăn mỗi ngày.
Thế nhưng, anh phải khoác áo ĐT Argentina chứ không thể lạnh lùng cự tuyệt như trường hợp của Diego Costa khước từ Selecao để trở thành một cầu thủ Tây Ban Nha chính hiệu. Bởi tài năng của anh quá lớn khiến Messi phần nào đó tự tin rằng mình có thể thành công ở mọi môi trường, và khiến người Argentina kỳ vọng hơn bao giờ hết về một kẻ thay thế “Cậu bé vàng” Diego Maradona xứng đáng.
Phải, không có gì hoặc không có ai ở trong bầu khí quyển Trái Đất này có thể phủ nhận, hạ thấp được tài năng bóng đá tuyệt luân của Messi. Những độc giả đang đọc bài báo này thuộc thế hệ cổ động viên bóng đá hạnh phúc vì được chứng kiến cả tuổi thanh xuân rực rỡ trên sân cỏ của Messi.
Những bàn thắng, những đường chuyền, những pha chạm bóng, những ý tưởng đột biến, những cú lừa bóng, những quả sút phạt, những pha xâu kim, những màn sô lô… của Messi đều là tuyệt phẩm được tạo tác bằng bàn tay kim cương của những bậc thày điêu khắc thời Phục Hưng.
Cần những con số ư? Thì đấy, 10 chức vô địch La Liga, 4 chức vô địch Champions League, 3 chức vô địch FIFA Club World Cup, 3 chức vô địch Siêu Cúp châu Âu, 6 chức vô địch Cúp Nhà Vua, một tấm HCV Olympic, 5 Quả Bóng Vàng trong đó có 4 lần liên tiếp, 2 lần là cầu thủ Xuất sắc nhất châu Âu, 6 Chiếc Giày Vàng châu Âu… cùng vô số danh hiệu phụ khác.
Còn ở mùa giải 2018/19, khi Messi sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 32 vào ngày 24 tháng 6 tới đây, anh vẫn là chân sút đáng sợ nhất của châu Âu và thế giới. Chắc độc giả vẫn chưa quên, chỉ cách đây chưa lâu, cả làng túc cầu đã ngả mũ trước con số 600 bàn thắng của Messi trên mọi mặt trận.
Đó là những bàn thắng được ghi lại chi tiết, chính xác đến từng thời điểm, hoàn cảnh chứ không mập mờ như kỷ lục hơn 1.000 bàn của Vua bóng đá Pele vài chục năm trước. Nhưng đến thời điểm bài báo này được viết, con số đó đã là 603 bàn và chắc chắn danh hiệu Vua phá lưới châu Âu mùa 2018/19 lại là của Messi với 51 bàn, trong đó có 36 bàn tại La Liga, đem đến mùa thứ năm liên tiếp Messi ghi được tối thiểu 20 bàn.
Người ta đã dùng cạn kiệt mỹ từ để ca ngợi Messi, tán tụng tài năng bóng đá của Messi mất rồi. Không một cầu thủ nào trong khoảng gần 20 năm qua dám so sánh mình với Messi - ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ là Cristiano Ronaldo - người có mặt trên sân cỏ để tạo thành những bộ đôi kinh điển như Khổng Minh - Chu Du vậy.
Song, điều cay đắng khiến Messi luôn cảm thấy thất thế trước Ronaldo là sự thất bại của anh tại ĐT Argentina. Quê hương đối với ai, ví dụ như Ronaldo chẳng hạn, là chùm khế ngọt, là cội nguồn sức mạnh. Nhưng hai tiếng “quê nhà” đối với Messi lại chẳng khác gì một nỗi ám ảnh và đau đớn.
Bởi hãy nhìn vào bảng vàng thành tích của anh, ngoại trừ tấm HCV Olympic Bắc Kinh 2008, anh không có danh hiệu nào cùng những người đồng hương. Ba danh hiệu Á quân Copa America và một danh hiệu Á quân World Cup là một sự mỉa mai nghiệt ngã dành cho một ĐT Argentina tài năng với Messi thần thánh. Đúng là chén thuốc độc.
Thuốc độc, nhưng Messi không thể chối từ nó, bất chấp đã hơn một lần anh lớn tiếng tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia, đặc biệt sau những thất bại cay đắng trong những trận chung kết World Cup hay Copa America. Thế nhưng, Messi nào có thể giã từ được, khi cả đất nước Nam Mỹ này van lơn anh tiếp tục.
Cách đây hơn một tháng, thậm chí người ta còn dùng miệng các em bé trên khắp đất nước Argentina nói những ngôn từ tuyệt đẹp với cậu con trai của Messi. Nội dung của những lời có cánh đó đều là ca ngợi tài năng của Messi, bày tỏ sự yêu mến tột độ với bố của Thiago Messi…
Ngôn từ của con trẻ để làm gì, nếu không phải là muốn kích thích tinh thần cống hiến của Messi với ĐT Argentina trong chiến dịch giành vé dự VCK World Cup 2022 và đặc biệt là Copa America 2019 này. Đó là những gì người hâm mộ Argentina mong đợi, một phép màu ở giai đoạn cuối đỉnh cao phong độ của người thay thế Maradona dẫn dắt Alcebileste tới vinh quang đã xa lắc lơ từ năm 1990.
Nhưng trớ trêu thay, Messi ngay trong khi được người Argentina tôn sùng, trao gửi mọi hy vọng thì cũng bị ruồng rẫy, chế nhạo và khinh miệt. Ông Thánh Maradona luôn dành những lời so sánh hậu duệ của mình theo thói ích kỷ của một huyền thoại không bao giờ muốn ai truất ngôi báu của mình.
Kể cả lúc Maradona huấn luyện Messi và ĐT Argentina tại VCK World Cup 2010 hay giai đoạn sau này, hễ cứ khi Argentina thất bại là Maradona lại chỉ trích và đổ lỗi cho Messi. “Này, tin tôi đi, cậu ta chỉ là một thằng nhóc. Có tài năng mấy cũng chỉ là thằng nhóc, làm sao làm thủ lĩnh được chứ”, đó là lời của Maradona “dành tặng” Messi sau một kỳ World Cup thảm họa tại Nga.
Và cũng chẳng đâu xa, thảm kịch thất bại và bị chê bai mới nhất của Messi cũng chỉ xảy ra cách đây ba tháng. Đó là một trận đấu giao hữu giữa ĐT Argentina và Venezuela tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 3/2019. Một kết cục quen thuộc, Argentina bị thua 1-3 và Messi thi đấu mờ nhạt, không ghi được bàn thắng nào.
Một hình ảnh miêu tả sự ngược đời giữa một Messi tài năng tuyệt thế tại Barcelona và một Messi vô dụng thảm hại tại ĐTQG là một CĐV Argentina giương một biểu ngữ ghi tên tuổi của Lionel Messi. Nhưng biểu ngữ đó đã bị lộn ngược. Đó là một biểu tượng thích hợp cho thiên tài Barcelona trong mắt những người đồng bào.
Chiến thắng 3-1 của Venezuela đã nêu bật vấn đề mà Argentina đã phải vật lộn để giải quyết một cách vô vọng trong nhiều năm - một vấn đề đã được minh chứng bằng chiến dịch World Cup 2018 thảm họa tại nước Nga đúng một năm trước: tài năng của Messi bị chìm nghỉm một cách khó hiểu bất chấp vô số đời HLV đã tìm cách giải quyết nó.
Song có đúng là Messi phải gánh chịu một thân phận hẩm hiu và là tội đồ cho mọi thất bại của ĐT Argentina hay không? Không, lỗi lớn nhất của Messi là sinh bất phùng thời và xuất hiện nhầm thời điểm.
Bóng đá Argentina sau thời của Maradona đã sa sút nghiêm trọng, mà theo thời gian, càng ngày vấn đề càng trở nên vô phương cứu chữa. Từ một nền bóng đá gạt đi không hết nhân tài, đến những ngôi sao như Gabriel Batistuta hay Juan Riquelme nhiều lúc còn không được trọng dụng, bây giờ những cầu thủ Argentina chỉ còn danh tiếng hão huyền.
Messi lạc vào thế hệ bỏ đi đó như một mãnh hổ giữa bày cừu, không thể gồng mình gánh cả tập thể tầm thường lên đỉnh cao được, âu cũng là một điều dễ hiễu. Đã thế, anh không có được tố chất thủ lĩnh mạnh liệt như Ronaldo có tại ĐT Bồ Đào Nha, luôn bị coi là kẻ xa lạ nên càng trở nên lạc lõng.
Mario Kempes, nhà vô địch World Cup 1978, rất thấu hiểu tình thế của chàng trai hậu bối. Ông luôn cho rằng, kể từ ngày khoác áo ĐTQG, lúc nào Messi cũng là ngôi sao số một. Những thất bại của Alcebileste đa phần là do các HLV đều bất lực trong việc sử dụng Messi và xây dựng hệ thống để Messi hoạt động.
Trong lần giới thiệu cuốn tự truyện “Matador” của mình tại đại sứ quán Argentina ở Madrid, Kempes đưa ra lập luận rằng vấn đề của ĐT Argentina xuất phát từ việc các cầu thủ khác quá choáng ngợp về tầm vóc của Messi. Không chỉ các cầu thủ, mà điều này còn xảy ra với các HLV.
Họ cảm thấy nhỏ bé trước tài năng của Messi trong suốt 12 năm qua, họ hiểu những phẩm chất tuyệt luân của Messi và hành xử như những bề tôi trước vị hoàng đế hùng mạnh đến nỗi không dám làm gì để phương hại đến tâm trạng của Messi.
Đến ngay cả các HLV cũng không dám động đến vì sợ Messi buồn. Họ tự nguyện trở thành những kẻ nô lệ, điển hình như HLV Sampaoli ở World Cup 2018. Một điều khó hiểu khác là thế hệ hiện tại của ĐT Argentina, ngoài Messi, có rất nhiều cầu thủ tài năng như Higuain và Aguero, những tiền đạo hàng đầu châu Âu. Nhưng chính vì quá ngợp trước Messi nên khi cùng sát cánh trong một màu áo, họ lại đánh mất sự xuất sắc của mình.
Phải có cách nào đó chứ, và Kempes cho rằng, HLV Lionel Scaloni phải nhìn lại thật rõ những vết xe đổ của những người tiền nhiệm trong thái độ và cách sử dụng Messi.
Scaloni đừng để khái niệm Messi là cầu thủ giỏi nhất thế giới ám ảnh, mà phải tập trung vào việc khiến những cầu thủ khác phải thể hiện năng lực tốt nhất của mình tại ĐTQG như khi chơi cho Man City hay Juventus. Khi các đồng đội thăng hoa, lập tức một Messi hay nhất thế giới sẽ chơi hay hơn. Sự cộng hưởng của các cá nhân xuất sắc sẽ tạo nên một tập thể xuất sắc.
Copa America 2019 sẽ khởi tranh từ ngày 15/6 tới tại Brazil. Sức ép với Messi vẫn cứ là một chức vô địch cùng ĐT Argentina. Tuy nhiên, thành quả đó không thể dựa vào một mình năng lực của Messi mà cần phải được HLV Scaloni tiến hành những đổi mới táo bạo về đội hình và lối chơi.
Messi cần cân nhắc là một yếu tố trong hệ thống đó chứ không phải đối tượng được cả hệ thống phục vụ. Một chân sút thượng hạng như Sergio Aguero, người mà Messi có cảm tình tốt giống như Luis Suarez tại Barcelona cần được sử dụng để chia lửa và hỗ trợ Messi trên hàng công.
Câu chuyện của Messi tại Barcelona chính là bài học quý giá cho các HLV Argentina. Hãy xem, ở đó anh được tung hoành trong một đội ngũ xuất sắc, có thể hỗ trợ anh hoàn toàn hoặc độc lập tác chiến hiệu quả. Quan trọng hơn, Messi không bị ám ảnh đến mức phát bệnh vì danh hiệu nên đôi chân sẽ thanh thoát, đầu óc sắc bén và tạo nên thành công.
Hãy tháo bỏ xiềng xích trong tư tưởng của Messi. Một ngôi sao luôn trong hoàn cảnh u uất vì sức ép, sự lạc lõng trong đội hình và dư luận yêu ghét đỏng đảnh khó có thể phát huy được mọi tố chất của mình. Cần thả Messi vào một đội ngũ có cá tính và sự tự tin vào năng lực bản thân, hơn là những kẻ vừa đá vừa dòm tâm trạng của Messi thế nào.
Có được như vậy, bi kịch của Messi nói riêng và ĐT Argentina có Messi nói chung mới được hóa giải!
- Đọc nhiều
- Bình luận nhiều
- Ông Donald Trump chỉ ra cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 19
- Nhận định bóng đá Galatasaray vs Tottenham, 00h45 ngày 8/11: Chờ mưa bàn thắng
- Nhận định bóng đá Real Madrid vs Osasuna, 20h00 ngày 9/11: Real Madrid ‘xả stress’
- Carlo Ancelotti, ngạc nhiên chưa ông già? 3
- Nhận định bóng đá Brighton vs Man City, 00h30 ngày 10/11: Mắc kẹt ở tổ chim mòng biển 3
Bình luận