1. Khủng bố đẫm máu tại Paris
Trận giao hữu giữa Pháp và Đức hôm 13/11 tại sân Stade De France là một trong những địa điểm diễn ra thảm kịch. 6 vụ khủng bố liên hoàn tại thủ đô Paris đã khiến ít nhất 153 người thiệt mạng. Đích thân tổng thống Pháp, Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp và ra lệnh phong tỏa biên giới quốc gia này.
Ban đầu, cảnh sát Pháp cho rằng bọn khủng bố muốn kích nổ quả bom bên trong sân để tạo ra 1 vụ chen lấn giẫm đạp lên nhau. Khoảng 3 phút sau vụ tấn công bất thành, kẻ khủng bố thứ hai tiến hành đánh bom liều chết ở cửa J của sân vận động Stade De France. Vụ tấn công thứ 3 nhằm vào một cửa hàng đồ ăn nhanh. Ba vụ tấn công ở sân vận động này làm tổng cộng 3 người thiệt mạng.
Sau thảm họa, các trận đấu được đặt trong tình trạng báo động cao độ và thậm chí, tình trạng thiếu hụt lực lượng an ninh đã khiến chủ nhà của EURO 2016 ban lệnh cấm CĐV đội khách đến các sân bóng trong bối cảnh an ninh tại Pháp trong trạng thái nguy hiểm. Mặc dù tình hình đã có vẻ bớt căng thẳng và các sân vận động cũng được hoạt động bình thường trở lại nhưng chắc chắn, có không ít CĐV vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ khủng bố này.
Sân Stade de France náo loạn khi vụ khủng bố đang diễn ra
2. Chủ tịch UEFA, Michel Platini bị cấm hoạt động bóng đá 8 năm
Huyền thoại bóng đá người Pháp đã có một sự nghiệp thi đấu đáng ngưỡng mộ đối với bất cứ một cầu thủ nào. Không những vậy, sau khi giải nghệ, ông còn là một nhà hoạt động thể thao đầy uy tín mà đỉnh cao là chiếc ghế chủ tịch UEFA.
Một trong những lí do Platini được tín nhiệm và thăng tiến nhanh chóng đó là do ông luôn ưu ái các nền bóng đá nhỏ. Thực hiện luật công bằng tài chính, mở rộng quy mô VCK EURO và rất nhiều cải cách đột phá, thậm chí, khi ra tranh cử chủ tịch FIFA, Platini còn hứa World Cup sẽ là sân chơi dành cho 40 đội nếu được chọn làm chủ tịch.
Trong mắt mọi người, Platini là một người hùng luôn quan tâm đến số phận những đội bóng thấp cổ bé họng và đòi quyền lợi cho họ. Thế rồi, hình ảnh đó đã bị đạp đổ không thương tiếc. Ủy ban Đạo đức của FIFA vừa ban lệnh cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm đối với Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Platini do liên quan tới tham nhũng. Càng đáng xấu hổ hơn khi trước đó, ông luôn lớn tiếng chỉ trích Blatter vì những hành vi mờ ám trong tài chính. Có thể nói, với án phạt này, sự nghiệp và hình ảnh của Platini đã hoàn toàn sụp đổ trong mắt những người yêu mến ông.
Platini (trái) và Blatter không tránh khỏi án phạt
3. PSG biến Ligue 1 thành sân chơi riêng
Kể từ khi được các ông chủ Qatar mua lại, PSG đã trở thành độc cô cầu bại tại giải VĐQG Pháp nhờ vào tiềm lực tài chính quá khủng khiếp . Cho đến nay, gã nhà giàu nước Pháp đã 3 lần liên tiếp về nhất tại Ligue 1 kể từ mùa 2012/13. Trong mùa giải 2014/15 vừa qua, PSG cũng đã có cú ăn 4 lần đầu tiên trong lịch sử khi thâu tóm Ligue 1, vô địch Cúp QG, vô địch Cúp Liên đoàn và Siêu cúp Pháp.
Sang đến mùa giải năm nay, tình hình vẫn không có gì khá khẩm hơn. Nhà đương kim vô địch Ligue 1 đang băng băng về đích với số điểm cách biệt đội đứng sau không tưởng: 19. Đến thời điểm này, vẫn chưa có đội bóng nào hạ gục được PSG và gần như chắc chắn, đội chủ sân Công viên các Hoàng tử sẽ có lần thứ tư liên tiếp đoạt cúp Hexagoal. Sự vượt trội của PSG đang khiến người ta tự hỏi, liệu Ligue 1 có biến thành giải VĐQG Scotland thứ hai, với chỉ mình Celtic vô địch, hay không?
PSG là thế lực không thể ngăn cản tại Ligue 1
4. Lacazette đoạt giải vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất Ligue 1 2014/2015
Nếu có gì đó an ủi người Pháp thì có lẽ đó là việc các danh hiệu cá nhân của Ligue 1 trong năm nay do một người Pháp nắm giữ. Với 27 bàn ở Ligue 1 mùa 2014/15 và tầm ảnh hưởng lớn tới lối chơi của Lyon, tiền đạo Alexandre Lacazette (Lyon) đã vượt qua cả 3 đối thủ chính đến từ PSG (Marco Verratti, Javier Pastore và Zlatan Ibrahimovic) để giành giải thưởng cao quý cầu thủ xuất sắc nhất Ligue 1 của Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Pháp (UNFP). Sự vươn lên của Lacazette cũng phế truất Ibrahimovic ở danh hiệu Vua phá lưới sau 2 năm liên tiếp tiền đạo người Thụy Điển nắm giữ.
Nỗ lực phấn đấu của Lacazette là một tín hiệu tốt lành cho các cầu thủ đang chơi bóng ở Ligue 1. Họ sẽ nhìn vào cầu thủ của Lyon như một tấm gương để hoàn thiện bản thân, đặc biệt là khi các chân sút của PSG như Cavani hay Ibrahimovic đang tỏ ra quá vượt trội trong các danh sách ghi bàn.