Phút 32 trận Troyes - Amiens, tiền đạo Suk Huyn-jun của đội chủ nhà đánh đầu dội xà ngang. Bóng đập xuống đất đúng chỗ vạch vôi. Trọng tài chính Francois Letexier lập tức nhận tín hiệu rung từ đồng hồ đeo tay, báo hiệu đây là bàn thắng từ công nghệ Goal-line. Letexier công nhận pha làm bàn của cầu thủ Hàn Quốc.
Các cầu thủ Amiens đã lao vào phản đối. Nhiều cầu thủ Amiens khẳng định với trọng tài là bóng chưa qua vạch vôi vì họ đứng rất gần. Sau…9 phút tranh luận, Letexier đổi quyết định từ chối bàn thắng. Thậm chí trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp, Letexier và BTC quyết định tạm dừng công nghệ Goal-line trong hiệp 2.
Letexier đã có một quyết định đúng đắn. Pha quay chậm từ ống kính truyền hình cho thấy bóng chưa qua vạch vôi. Ngay bằng mắt thường, những người quan sát nhạy bén trên sân cũng thấy rõ điều này. Chỉ có Goal-line là nhầm lẫn.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu Goal-line tại Ligue 1 hoạt động… chập cheng. “Từ đầu giải có 177 trận thì đã có 2 đến 3 trận chứng kiến Goal-line hoạt động kém chính xác”, GĐĐH Didier Quillot của LFP cho biết. Kể từ khi Ligue 1 áp dụng Goal-line ở mùa giải 2015/16, tới nay đã có không dưới chục lần Goal-line nhầm lẫn.
LFP sẽ triệu hồi công ty chủ quản Goal-Control vào hôm nay để bàn thêm về vấn đề đang gây bức xúc này. Không loại trừ khả năng LFP sẽ cắt hợp đồng sử dụng Goal-line để chuyển sang các công nghệ phân tích bàn thắng khác như Hawk-Eye hay GoalRef.
Bạn có biết? Công nghệ Goal-line đang áp dụng tại Ligue 1 do tập đoàn Goal-Control của Đức thiết kế và vận hành. Trong các trận đấu, Goal-line sử dụng tổng cộng 7 camera lắp đặt xung quanh cầu môn để ghi lại hình ảnh trái bóng lăn qua vạch vôi. Sau đó, một phần mềm máy tính sẽ tự động tổng hợp các hình ảnh trước khi có đáp án cuối cùng. Hợp đồng sử dụng Goal-line tại Ligue 1 giữa LFP và Goal-Control có thời hạn từ mùa giải 2015/16 tới hết mùa 2018/19. |