Thay thế những điều vĩ đại chẳng bao giờ là dễ dàng. Làm cho nó một lần nữa trở nên vĩ đại, hoặc vĩ đại hơn cả quá khứ, là nhiệm vụ còn khó khăn gấp bội. Trong bóng đá hiện đại, giành chiến thắng trong từng trận đấu đã là rất khó. Để giành chiến thắng áp đảo trong một giải đấu, bạn phải là một đội bóng cực kỳ hùng hậu. Và để chiếm trọn được tình cảm của người xem, để chinh phục những cột mốc lịch sử, bạn đơn giản phải là một tập thể vĩ đại.
Luis ‘Lucho’ Enrique đang xây dựng Barca trở (lại) thành một đội bóng vĩ đại. Họ đã hạ bệ Atletico, vượt mặt Real để đăng quang La Liga sớm trước 1 vòng. Họ cũng đã giành quyền vào chung kết Champions League sau khi đánh bại Bayern Munich đầy thuyết phục. Chỉ cần 1 trong 2 danh hiệu đó thôi, mùa giải đầu tiên dẫn dắt Barca đã có thể xem là thành công với Enrique, sau 1 năm mà 2 kình địch thành Madrid chia nhau vô địch quốc nội và châu lục. Và nếu như hoàn tất cú đúp, hay thậm chí cú ăn ba (nếu đánh bại Bilbao trong trận chung kết cúp Nhà Vua), họ xem như đã là một CLB vĩ đại!
VIDEO: Atletico Madrid 0-1 Barcelona
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Nhưng vĩ đại là một chuyện, vĩ đại hơn cả Barca của Pep Guardiola lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Từ năm 2008 tới 2012, chiến lược gia hiện đang dẫn dắt Bayern đã đem về phòng truyền thống của sân Nou Camp thêm 7 danh hiệu lớn (con số ấy có thể gấp đôi nếu tính cả Club World Cup, Siêu cúp châu Âu hay Siêu cúp TBN). Quan trọng hơn, họ tạo nên một cách chơi bóng đá mới, một kỷ nguyên mới gắn liền với tên tuổi Barca trong suốt nhiều năm sau đó. Không chỉ thống trị về danh hiệu, Barca của Pep còn được các CĐV xem như một trong những đoàn quân vĩ đại nhất mọi thời nhờ lối chơi đẹp mắt.
Enrique có lẽ chẳng ham hố tạo nên một tập thể vĩ đại hơn thế, chí ít là ngay ở mùa giải đầu tiên. Bởi những trụ cột của giai đoạn 2008 tới 2012 nếu không luống tuổi thì cũng cạn kiệt dần bầu nhiệt huyết. Thực tế này được kiểm chứng từ khi Tito Vilanova lên dẫn dắt đội. Barca dường như là đội bóng một người, với gần như chỉ mình Messi chơi bóng. Có lẽ họ cần một cuộc cách mạng từ thời điểm đó, nhưng tình trạng sức khỏe đã ngăn cản tham vọng của cố HLV người Catalan.
Barca nhiều năm liền phụ thuộc vào đôi chân ma thuật của Messi
Barca ngày hôm nay đã lột xác trên nhiều phương diện so với thời Guardiola-Vilanova, và vai trò của Sergio Busquets ở tuyến giữa chính là một ví dụ điển hình. Không còn phải đảm đương những nhiệm vụ phức tạp của một hệ thống thích chuyền bóng phức tạp, Busquets giờ đây chơi đúng với phong cách của một tiền vệ trụ đích thực, giảm thiểu tối đa cơ hội của đối phương bằng những pha xử lý đơn giản.
Với Enrique, không có khái niệm nửa vời, ngay cả trong một thời kỳ mà những “regista” hay “trequartista” (tiền vệ trụ phát động tấn công và tiền vệ kiêm tiền đạo) lên ngôi. Rất rõ ràng: Busquets chỉ đánh chặn, giúp đội bóng giành lại quyền kiểm soát bóng phía trước mặt bộ tứ vệ.
Barca dưới thời Enrique gợi nhớ lại nhiệm kỳ của Frank Rijkaard. Niềm tin vào khả năng của từng cá nhân mới là sức mạnh của họ lúc này, thay vì lối chơi dựa vào những pha phối hợp tập thể của “triều đại” Pep. Bộ ba Messi, Neymar, Suarez đang tỏa sáng với những sở trường riêng để bổ sung cho nhau, thay vì bộ ba ăn ý như thể hòa làm một Messi, Pedro, Villa trước kia.
Sức mạnh hủy diệt đến từ bộ 3 MSN của Barca |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Rijkaard từng sở hữu những cá nhân tương tự như Enrique lúc này: Samuel Eto’o là một cây săn bàn bẩm sinh giống như Suarez; Ronaldinho chơi thấp hơn Messi hiện tại một chút ở vị trí “số 10”; và một Messi trẻ tuổi làm nhiệm vụ đá lệch phải, nhưng khá giống Neymar đang đảm đương cánh trái hiện tại, với những bàn thắng và những pha đi bóng khó lường.
“Chủ nghĩa cá nhân” này không chỉ được thể hiện trên hàng tấn công. Ivan Rakitic là mẫu tiền vệ giàu năng lượng và “cần cù” hơn nhiều so với Xavi hay Iniesta trước đây, bổ sung cho Barca thêm một phương án vừa tấn công vừa phòng ngự, hay nói cách khác là một “tiền vệ con thoi” để kết nối giữa các tuyến. Ở trung tâm hàng thủ, Gerard Pique phát huy được hết những ưu điểm của mình nhờ cách chơi mới, thay vì phải loay hoay xoay sở để thích nghi với lối đá tiqui-taca.
Nhưng trên hết, dấu ấn của Enrique được thể hiện ở cách ông xoay vòng thủ môn. Tại La Liga, ông lựa chọn thủ thành dày dạn kinh nghiệm Claudio Bravo, trong khi ở các đấu trường cúp, Marc-Andre Ter Stegen được ưu tiên. Bravo là một Victor Valdes mới, kiểm soát cực tốt vòng cấm và xuất sắc trong cản phá, còn Ter Stegen, ở độ tuổi 22, có rất nhiều nét tương đồng với Manuel Neuer, thủ môn số một thế giới hiện tại. Tương lai là của Ter Stegen, nhưng hiện tại, Enrique cũng chẳng cần lo lắng với Bravo trong khung gỗ.
Tờ Guardian từng tiết lộ, Enrique có lần nói về sự ngưỡng mộ của ông dành cho phong cách huấn luyện của Sir Bobby Robson khi cố HLV này dẫn dắt Barca, ngay sau thời đỉnh cao của Johan Cruyff: “Là một HLV, ông ấy luôn có những ý tưởng rất rõ ràng. Ông ấy làm mọi việc rất tự nhiên, không bị gò bó. Ông ấy cũng có khả năng quản lý nhóm, khả năng thích nghi trước những kỳ vọng lớn đến từ một CLB khổng lồ, trong những hoàn cảnh khác nhau”.
Khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh, một chút thực dụng và sự khao khát đi tìm công thức chiến thắng, trong khi vẫn biết cách làm nên những điều đặc biệt, đó là những phẩm chất của một Barca truyền thống đang có trong Barca hiện đại.
Đội bóng xứ Catalan chỉ còn cách ngôi vương Champions League 1 bước chân. Họ có thể không còn kiểm soát thế trận một cách khủng khiếp như trước đây, có thể không còn là đội bóng với nền tảng kỹ chiến thuật số một hành tinh, nhưng lối chơi phản công nhanh mang đậm tính hiện đại đang biến họ trở thành một thế lực vĩ đại. Thoát khỏi những lý lẽ giáo điều của quá khứ, họ đang trở nên ngày một hiệu quả hơn. Chỉ một bước nữa, Lucho sẽ đưa Barca tới danh hiệu vô địch Champions League thứ 5, đúng 9 năm sau thành công của hình mẫu ông theo đuổi – Frank Rijkaard.