Trong thời đại mà mô hình 4-4-2 dường như đã lỗi thời, thì Atletico Madrid của Simeone đang chứng minh được điều ngược lại. Chiến lược gia người Argentina thổi một luồng gió mới cho sơ đồ truyền thống một thời, “vá” lại những điểm yếu dễ khai thác như không thể đối phó với một hàng tiền vệ 3 người hay khoảng cách quá lớn giữa các tuyến… từng khiến nó dần lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho 4-3-3 hay 4-2-3-1.
Rojiblancos dưới thời Simeone chơi vô cùng kỉ luật, với chiến thuật rõ ràng, đòi hỏi tất cả các cầu thủ trên sân hoạt động tích cực, chịu khó chạy chỗ. Thành quả cho phong cách “mới mà cũ” ấy là chức vô địch La Liga thần kì, là 28 trận thắng sau 38 vòng (nhiều nhất giải), và 26 bàn thua (ít nhất giải).
Top 4 đội dẫn đầu La Liga 2013/14
Những ưu điểm của Simeone khi còn là cầu thủ, một tiền vệ phòng ngự ngôi sao, đã được phản ánh rõ nét trong đội bóng châu Âu đầu tiên ông dẫn dắt: phòng ngự chặt chẽ và hiệu quả trong phản công. Thực tế, Atletico cực mạnh trong kiểm soát các khoảng không, hơn là cầm bóng.
Vậy, chiến lược gia 44 tuổi đã “phù phép” như thế nào để biến một hàng phòng ngự từng thủng lưới tới hơn 60 bàn mùa 2009/10 trở thành một trong những chốt chặn đáng tin cậy nhất cựu lục địa? Đừng nói tới nhân sự, bởi cách đây 4 năm, họ còn sở hữu nhiều hậu vệ nổi tiếng hơn hiện tại. Nguyên nhân nằm ở chính hệ thống chiến thuật của Simeone, chúng ta hãy cùng đi sâu phân tích.
Số cú sút Atletico phải nhận chủ yếu tới từ ngoài vòng cấm
Trước hết, mấu chốt cho thành công của hệ thống phòng ngự Simeone tạo ra, cũng giống như xu hướng chung của bóng đá hiện đại, đó là phòng thủ khu vực. Nhưng cách phòng thủ khu vực của cựu HLV Estudiantes còn đi kèm với lối đá pressing mạnh mẽ mỗi khi cầu thủ đối phương cầm bóng. Họ hoàn toàn kiểm soát được khu trung tuyến, trên cơ sở đó, hàng phòng ngự chơi ngày càng vững chãi và ổn định.
Ở đây chỉ xét tới hệ thống phòng ngự, tức là chỉ khi Atletico không có bóng. Như vậy, có thể chia sơ đồ sân dưới đây ra làm 4 khu vực mà đối thủ của thầy trò Simeone triển khai bóng, từ đó chúng ta sẽ phân tích từng phương án đối phó cụ thể của nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha:
Khu vực 1: Đây là trường hợp đối thủ của Atletico tìm cách lên bóng từ phần sân nhà. Các cầu thủ Rojiblancos sẽ không áp sát đối phương trừ khi nhận thấy những sai lầm. Họ cho phép đối phương dễ dàng xâm nhập khu vực 2, hay thậm chí khu vực 3, nhưng vẫn đảm bảo toàn đội hình là một khối thống nhất nhờ không bị xé lẻ nhân sự cho các pha pressing.
Một điểm đáng chú ý nữa là đội quân của Simeone luôn chơi gần nhau, như vậy mở ra khoảng trống nhất định ở 2 cánh, bù lại họ kiểm soát tốt khu trung lộ, khiến đối thủ không còn cách nào khác ngoài đánh biên. Trong đó, 2 tiền đạo Diego Costa và David Villa chơi như những tiền vệ, cố gắng ngăn chặn các đường chuyền đơn giản từ tuyến giữa đối phương.
Tuy nhiên, dù có linh hoạt thế nào, sơ đồ 4-4-2 vẫn phải xuất hiện những khoảng trống giữa các tuyến, cho phép một tiền vệ phòng ngự hoặc tiền vệ tấn công của đối phương những khoảnh khắc “dễ thở”. Thực tế, đây lại là một cái bẫy do Simeone tạo ra. Ví dụ, nếu đối phương chuyền bóng từ trung tuyến lên hàng công, các tiền vệ Atletico sẽ gây áp lực lên người nhận bóng, trong khi tiền đạo của họ cũng đồng thời gây áp lực lên người chuyền bóng. Chiến lược này thường đem lại hiệu quả do hầu hết cầu thủ có xu hướng chuyền bóng đơn giản bên phần sân nhà.
Khu vực 2: Mục đích chính của Atletico luôn là khiến các đối thủ phải chơi rộng bằng cách kiểm soát chắc chắn khu trung lộ, qua đó rơi vào cái bẫy pressing họ thiết lập. Để lên bóng, đối thủ của đội bóng thành Madrid chỉ có 3 phương án xử lý: hoặc là chuyền bóng thẳng lên phía trên, hoặc chuyền bóng vào trung lộ, hoặc chuyền về phía sau. Cả 3 phương án ấy đều bị Simeone khóa chặt: các hậu vệ và tiền vệ cánh của Atletico sẽ nhanh chóng áp sát những cầu thủ có thể nhận bóng ở biên, và 1 tiền vệ trung tâm khác ở trong sẽ lo nhiệm vụ gây áp lực lên phương án chuyền bóng gần nhất ở phía trong. Như vậy, Atletico luôn đặt đối phương vào tình thế 1 chọi 1 với họ.
Hậu vệ biên của Atletico luôn áp sát tiền vệ biên đối phương, sẵn sàng gây áp lực nếu bóng được chuyền cho họ. Một tiền đạo ở phía trên sẽ lùi xuống, trông chờ sai sót của đối thủ từ giữa sân. Một tiền vệ trung tâm sẽ lấp vào khoảng trống mà hậu vệ biên đã dâng lên để lại.
Phương pháp “bẫy pressing” này đã lý giải vì sao Atletico giành được rất nhiều bóng từ hai biên. Sau đây là 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, khi cầu thủ đối phương có bóng ở biên, anh ta sẽ chỉ có một phạm vi 180 độ xung quanh để chuyền bóng, so với 360 độ nếu anh ta đứng giữa sân. Điều này hạn chế những phương án chuyền bóng và giúp các cầu thủ Atletico giành lợi thế.
Thứ hai, việc Atletico pressing hai cánh sẽ khiến đối thủ buộc phải chuyền vào trong, và khi ấy thì các tiền vệ trung tâm của Simeone cũng đã kịp áp sát các cầu thủ phía trong. Một đường chuyền vào trong từ hành lang biên luôn dễ bị cắt và bắt bài.
Thứ ba, Atletico không ngại áp sát cho dù hệ quả là những quả ném biên dành cho đối thủ. Họ thậm chí còn tận dụng những pha ném biên thế này để giăng một cái bẫy pressing khác.
Khu vực 3: Atletico luôn cố gắng kiểm soát khu trung lộ, và hệ thống phòng ngự của họ sẽ đặc biệt quyết liệt ở khu vực này. Các tuyến trở nên khăng khít hơn bao giờ hết, từng vị trí chơi gần nhau hơn, khiến cho Atletico trở thành một bức tường cực khó xuyên thủng.
"Bức tường" phòng ngự của Atletico ở khu vực 3
Hệ thống phòng ngự pressing khu vực cũng được áp dụng cho các trung vệ. Atletico không sử dụng cặp trung vệ làm các nhiệm vụ khác nhau như đa phần các đội bóng hiện đại khác, thay vào đó, cả Miranda lẫn Diego Godin đều có trọng trách lao vào tranh chấp bóng quyết liệt với cầu thủ đối phương. Cách tiếp cận này mang lại tỉ lệ thành công cao bởi đoàn quân của Simeone luôn chiếm ưu thế về quân số.
Khu vực 4: Các hậu vệ biên của Atletico sẽ chủ động áp sát những cầu thủ chạy cánh chuẩn bị tạt bóng của đối phương, trong khi những cá thể còn lại trong hệ thống phòng ngự vẫn áp dụng cách phòng thủ khu vực. Mấu chốt trong những pha bóng như thế này là cố gắng đảm bảo quân số đủ an toàn trong vòng cấm địa. Những cầu thủ không cần trực tiếp tham gia phòng ngự như tiền vệ trung tâm hay tiền vệ biên đối diện sẽ hỗ trợ bằng cách lui về khu vực phía ngoài vòng cấm, đề phòng trường hợp đối thủ căng ngang vào khoảng trống trước khung thành.
Hệ thống phòng ngự đầy khoa học của Simeone chú trọng đặc biệt tới khu vực 2 và 3, do đó thật dễ hiểu vì sao giới chuyên môn lại nhận định rằng Atletico có xu hướng sử dụng một “khối 4-4-2 thấp”. Chiến thuật ấy đem lại sự chắc chắn tuyệt đối trong phòng ngự cho Rojiblancos, và từ đó, một nhà vô địch như thể bước ra từ câu chuyện cổ tích đã ra đời.