Bóng Đá Plus trên MXH

Ronaldo 'béo': Từ cậu bé nghèo đến 'doanh nhân hiện tượng'
09:41 ngày 05/09/2018
Năm 1994, Ronaldo tới châu Âu và lập tức trở thành một siêu sao khiến cả thế giới mê hoặc. 24 năm sau, anh quay lại mảnh đất này và tiếp tục gây ngạc nhiên. Bây giờ, “Ro béo” là một doanh nhân thành đạt, chủ sở hữu mới của Real Valladolid.
    Không chỉ là thần đồng bóng đá
    Vào thứ Hai, Ronaldo đã ra mắt ở Real Valladolid. Cầm chiếc áo mang tên mình trên tay, nhưng huyền thoại người Brazil không đến đây để phá lưới đối phương, giúp đội bóng mới thăng lên La Liga có được bàn thắng đầu tiên trong mùa giải mới. Ronaldo có mục tiêu vĩ đại hơn, đưa Valladolid tới một tương lai mà họ chưa bao giờ hình dung ra. Sau khi hoàn tất thủ tục mua lại 51% cổ phần vào thứ Tư tuần trước, cựu danh thủ 41 tuổi sẽ là chủ sở hữu mới của CLB vùng Tây Bắc.  

    Theo báo giới Tây Ban Nha, số tiền mà “Ro béo” chi ra để nắm quyền kiểm soát Valladolid là 30 triệu euro. Con số này không thấm vào đâu so với tổng giá trị tài sản mà cựu tiền đạo người Brazil đang sở hữu (anh từng lọt vào danh sách các tỷ phú do tạp chí Forbes xếp hạng năm 2014). Bây giờ Ronaldo là một doanh nhân thành đạt, mà vào năm 2012, tạp chí Forbes gọi là “doanh nhân hiện tượng”, tương tự như khi anh còn chơi trên sân cỏ, một cầu thủ hiện tượng siêu phàm. 


    Thật ra thì trước khi gây choáng váng với cả thế giới về tài nghệ bóng đá tuyệt đỉnh, Ronaldo đã được coi là thần đồng khi còn ngồi trên ghế nhà trường về khả năng học tập, nhất là các môn tự nhiên. Bước ngoặt đến vào năm 11 tuổi, bố Ronaldo bỏ đi và bà mẹ Sonia trở thành người bán pizza để mưu sinh. Anh phải bỏ dở việc học, ra ngoài đường và kiếm chút tiền từ các trận đá bóng đường phố. 

    Rồi Ronaldo trở thành cầu thủ chuyên nghiệp năm 16 tuổi và kiếm được 2.000 USD trong 1 năm khoác áo Cruzeiro. Dĩ nhiên khoản tiền ít ỏi này không tương xứng với tiền đạo đã ghi 44 bàn sau 47 trận, và “Pele mới” của xứ Samba tới châu Âu. Đó là năm 1994, và Ronaldo có mặt ở PSV, ghi 54 bàn sau 57 trận, thu về 780.000 USD trong 2 năm. Thu nhập của anh tăng thành 2 triệu USD mỗi năm khi chuyển tới Barcelona năm 1996. 

    Rõ ràng “Ro béo” đã rất biết tận dụng tài năng để kiếm tiền. Dĩ nhiên, nó hoàn toàn xứng đáng. Bất kỳ nơi nào ghé đến, sau đó là Inter, Real Madrid, AC Milan và Corinthians, Ronaldo cũng ghi vô số bàn thắng và tạo nên cơn sốt, hay còn gọi là hiệu ứng “Ronaldomania”. Trong nhiều năm, ông là biểu tượng toàn cầu. Theo Forbes, trong cả sự nghiệp, Ronaldo đút túi khoảng 250 triệu USD riêng tiền lương. Lưu ý rằng thu nhập từ thương mại của anh có thể còn nhiều hơn thế. Như hồi tại Real, Ronaldo kiếm được 9 triệu USD từ quảng cáo, trong khi lương là 7,5 triệu/năm.   

    Doanh nhân hái ra tiền
    Các cầu thủ Brazil thường được biết đến với thú vui tiệc tùng và tiêu xài hoang phí, để rồi nhiều ngôi sao khi giải nghệ lâm vào cảnh nợ nần và phá sản, như Garrincha hay Adriano. Nhưng Ronaldo rất khác. Sau khi giải nghệ, cũng trong năm 2011, Ronaldo lập ra công ty 9ine, chuyên quản lý, bảo vệ, quảng bá hình ảnh của các VĐV cũng như thương hiệu thể thao. Các khách hàng của Ronaldo bao gồm Lucas Moura, Neymar và Kaka. Theo một nguồn tin ở Brazil, trong năm 2012, doanh thu của công ty 9ine rơi vào khoảng 90 triệu USD.   


    9ine ngày một phát triển thịnh vượng song song với các sự kiện World Cup 2014 và Thế vận hội 2016 được tổ chức tại Brazil. Nhưng sau mâu thuẫn với đối tác Marcus Buaiz, Ronaldo rời khỏi 9ine và năm 2016, anh trở thành người nắm quyền kiểm soát công ty Octagon, cũng hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị thể thao và giải trí. Một trong những khách hàng lớn hiện tại là Gabriel Jesus.  

    Bên cạnh đó, Ronaldo cũng muốn tham gia sâu hơn vào bóng đá, vốn là đam mê lớn của mình. Đó là lý do cựu danh thủ Brazil mua lại 20% cổ phần của Fort Lauderdale Strikers, đội bóng thuộc giải Mỹ Soccer League Bắc Mỹ (NASL). Ông cũng ấp ủ tham vọng sở hữu một CLB ở Tây Ban Nha hoặc Anh. Sau 3 năm nghiên cứu và đánh giá, Valladolid được lựa chọn. Nắm giữ 51% cổ phần, Ronaldo là cổ đông lớn nhất để trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị, còn Carlos Suarez tiếp tục ngồi ở vị trí chủ tịch CLB. 

    Luôn là một “hiện tượng”, dù với tư cách cầu thủ hay hiện tại là một doanh nhân, Ronaldo hứa hẹn sẽ đưa Valladolid lên tầm cao mới. Và viễn cảnh một ngày Valladolid trở thành thế lực cạnh tranh với Barca và Real, hai đội bóng cũ của Ronaldo, quả thực rất thú vị. 

    NHỮNG HUYỀN THOẠI TIÊU BIỂU TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ CLB 
    David Beckham: Sau 5 năm ấp ủ, cuối cùng đội bóng của Beckham cũng ra đời vào đầu năm 2018 với cái tên Miami MLS, đặt trụ sở tại Miami.
    Paolo Maldini: Năm 2015, cựu hậu vệ Milan là đồng sở hữu và sáng lập Miami FC, đội bóng hiện đang chơi ở NASL.
    Marcelo Salas: Huyền thoại bóng đá Chile đã mua lại đội bóng cũ Union Temuco vào năm 2008. Đến nay ông vẫn là chủ tịch.
    Anh em nhà Neville, Scholes, Giggs và Butt: Lứa 92 nổi tiếng của M.U đã sở hữu Salford City vào năm 2014, nhưng hiện đã bán 50% cổ phần cho Peter Lim.
    Andres Iniesta: Khi Albacete gặp khó khăn tài chính, Iniesta đã mua lại cổ phần của đội bóng này. Cựu tiền vệ Barca bán lại nó cho tập đoàn Qatar Skyline vào năm ngoái.    
    VỊNH SAN • 09:41 ngày 05/09/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay