Reinier mới 18 tuổi và được Real chiêu mộ với giá 30 triệu euro từ Flamengo đầu năm 2020, nhưng được đưa về lò đào tạo trẻ để rèn giũa thêm và thi đấu cho đội B của CLB. Đến đầu mùa này, Real chưa vội sử dụng tiền vệ sáng giá người Brazil, qua đó anh trở thành sản phẩm mới nhất lò của La Fabrica được sang Đức tôi luyện.
Điểm đến của Reinier tại Bundesliga là Dortmund, CLB từng giúp nhiều tài năng trẻ Real trở nên cứng cáp và giàu giá trị hơn, mới nhất là trường hợp của Achraf Hakimi. Như đã biết, hậu vệ cánh người Morocco khi mới đến Đức chỉ được định giá khoảng 5 triệu euro, nhưng đã tăng giá tới gần 11 lần, cụ thể 54 triệu euro. Real đã thu lợi lớn từ việc tôi luyện sản phẩm này tại Dortmund, khi vừa bán Hakimi cho Inter với giá 40 triệu euro, kèm điều khoản mua lại.
Trước đó, người ta có thể kể không xuể những sản phẩm La Fabrica được đem đi tôi luyện tại Đức, và nhiều trường hợp đã thành công. Hậu vệ Dani Carvajal là một trong số đó, cũng như có thể nói khởi nguồn cho kế hoạch đặt chi nhánh La Fabrica tại Đức của Real.
Năm 2012, do chưa được HLV Jose Mourinho tin tưởng, Real đã đem bán Carvajal cho Leverkusen với giá 5 triệu euro, nhưng kèm điều khoản mua lại. Khi mới đến Đức, Carvajal dù đã 20 tuổi, song vẫn rất non nớt, chưa từng chơi cho đội 1 Real trước đó. Nhưng 1 năm sau, anh đã trở thành hậu vệ cánh rất cứng cáp và lỳ lợm, để rồi được Real mua lại với giá 6,5 triệu euro. Như vậy, Real chỉ tốn thêm 1,5 triệu euro để biến một sản phẩm thô trở thành kiệt tác. Hoàn toàn có thể nói như vậy sau những gì Carvajal cống hiến cho Real những năm qua.
“Carvajal là trường hợp đáng để nghiên cứu, một ví dụ điển hình cho thấy CLB có thể thành công lớn nhờ tầm nhìn, chứ không cần tiền bạc”, GĐTT Simon Rolfes hiện tại của Leverkusen và là đồng đội cũ của Carvajal ở Đức trước đây nhận định.
Lý giải tại sao các cầu thủ trẻ Real nói riêng, trên thế giới nói chung thường dễ cứng cáp và xuất sắc hơn khi được tôi luyện tại Bundesliga, Rolfes nhấn mạnh: “Tại Đức, sức ép với cầu thủ trẻ không lớn. Cuộc sống cũng dễ chịu hơn, qua đó họ có thể hoàn toàn tập trung vào việc phát triển tài năng”.
Ngoài ra, một chi tiết cũng rất quan trọng với các cầu thủ trẻ tại Bundesliga là họ luôn được các CĐV khích lệ. “Tôi chưa bao giờ thấy ở SVĐ nào mà các CĐV đứng dậy vỗ tay dành cho một hậu vệ trẻ trong trận ra mắt như tại Đức”, cựu GĐTT Jonas Boldt của Leverkusen nhận xét.
Dù không được như Hakimi hay Carvajal, nhưng các tài năng trẻ khác của Real được tôi luyện tại Đức cũng đều có thành công nhất định. Omar Mascarell thậm chí là đội trưởng của Schalke cuối mùa trước. Joselu (Hoffenheim), Lucas Torro (Frankfurt) hay Borja Mayoral (Wolfsburg) là những sản phẩm lò La Fabrica khác được tôi luyện tại Bundesliga, đều trưởng thành hơn.
Thực ra, Real không chỉ xem nước Đức là địa chỉ duy nhất để đem cho mượn các tài năng, các cầu thủ chưa dùng tới. Tuy nhiên, họ xem Bundesliga như ưu tiên hàng đầu cho việc tôi luyện những tài năng triển vọng nhất.
Mascarell ngưỡng mộ Bundesliga
Dù nhận được nhiều lời mời trở lại La Liga, nhưng cựu tiền vệ lò La Fabrica là Omar Mascarell vẫn muốn ở lại Bundesliga, ngay cả khi Schalke của anh đang khủng hoảng. “Ở đây họ trao cơ hội cho mọi cầu thủ. Các CLB Đức không quan tâm bạn chơi cho đội nào trước đây hay bạn bao nhiêu tuổi”, Mascarell cho biết.
XEM THÊM
Semedo & 10 bản hợp đồng bán đi đắt giá nhất của Barca