Titanic Real Madrid
Một trong những phân cảnh kinh điển nhất trong phim Titanic là thời điểm con tàu xấu số va vào tảng băng trôi, gãy đôi rồi dần chìm xuống đại dương lạnh căm. Trước cảnh tượng kinh hoàng ấy, những hành khách trên tàu kêu khóc thảm thiết và cố bấu víu cho mình một cơ may sống sót, duy chỉ có ban nhạc Wallace Hartley vẫn miệt mài làm tròn bổn phận người nghệ sỹ.
Không ai hoảng loạn, không ai bỏ chạy, họ cùng nhau hòa tấu nên thứ thanh âm diệu vợi của cuộc đời, qua đó tiếp thêm niềm tin và động lực sống cho những hành khách đang hoảng loạn. Họ như chú chim Đỗ Quyên ngửa cổ ngân lên tiếng hót rướm máu qua đêm sâu trước khi lìa đời. Nhiều hành khách may mắn sống sót sau này thừa nhận chính Wallace Hartley đã giúp họ lấy lại bình tĩnh, thứ quan trọng nhất khi đốt mặt tử thần. Thế nên, Wallace Hartley trở thành bất tử.
Tình cảnh Real Madrid lúc này chẳng khác nhiều con tàu Titanic. Vĩ đại và xấu số. Đội bóng Hoàng gia là thế lực số một châu Âu 5 năm qua, với 4 danh hiệu Champions League, trong đó có chiến tích vô tiền khoáng hậu là 3 lần đăng quang liên tiếp ở 3 mùa gần nhất. Tuy nhiên, 5 trận liên tiếp không thắng đồng thời lập kỷ lục 481 phút tịt ngòi, Real chẳng khác nào đâm vào tảng băng trôi.
Ronaldo hay Zidane không cứu được Real
Real Madrid hiện tại như con tàu đâm phải tảng băng trôi
Điều các đối thủ đang chờ đợi là thầy trò Lopetegui sẽ chết chìm dưới đáy đại dương cười nhạo còn giá rét hơn nước biển bắc Đại Tây Dương. Sự cười nhạo ấy đầy rẫy trên các mặt báo trong vòng 1 tháng qua, từ chuyện Real nhớ Ronaldo đến thông tin Lopetegui sắp bị sa thải. Nhưng, hãy nhìn vào thực tế. Nhớ Ronaldo hay sa thải huấn luyện viên liệu có cứu được con tàu đắm?
Đầu tiên, hãy nghe tiếng nói của người trong cuộc. "Chúng tôi không thể tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài. Đội hình Real có rất nhiều cầu thủ tài năng và chúng tôi không thể khóc vì một người không còn muốn ở đây", Isco trong buổi họp báo hôm qua nói về hội chứng nhớ Ronaldo.
Tiền vệ này tiếp tục với vấn đề sa thải Lopetegui: "Tôi không nghĩ báo chí đủ sức sa thải huấn luyện viên chỉ với vài câu chữ. Chúng tôi hoàn toàn bình tĩnh và tin tưởng tuyệt đối vào Lopetegui. Nếu sa thải thì những người đứng trên sân như chúng tôi đáng bị sa thải trước".
Phân tích từng khía cạnh để thấy rõ vấn đề. Thứ nhất, Ronaldo không còn là người của Real, vậy siêu sao người Bồ Đào Nha có cứu được Real?! Ngược lại, nỗi nhớ Ronaldo chỉ tạo thêm áp lực cho đoàn quân áo trắng. Mỗi lần ra sân, các cầu thủ Real như thể phải chơi 2 trận đấu. 1 trận đấu trên thực tế và 1 trận đấu trong tưởng tượng với sự hiện diện của Ronaldo. Rằng: Có Ronaldo, Real đã không tịt ngòi và hơn hết là không thua tan tác như đã xảy ra.
Thứ hai, sa thải Lopetegui liệu có cứu vãn được tình thế?! Đúng là việc thay thế Benitez bằng Zidane đã mở ra một chương rực rỡ trong lịch sử Real nhưng độc đắc chỉ xảy ra một lần trong đời. Thực tế hầu hết những vụ thay tướng giữa dòng chỉ đem lại kết quả bi thảm. Bằng chứng nhãn tiền vẫn chính là Real dưới thời chủ tịch Florentino Perez ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ thứ nhất hay còn gọi là giai đoạn Galacticos 1.0.
Perez chắc chưa quên bài học trảm tướng liên tục ở mùa 2004/05
Ở mùa giải 2004/05, Perez hai lần ký quyết định sa thải HLV ngay giữa mùa giải vào tháng 9 (García Remon thay Camacho) và vào tháng 12 (Luxemburgo thay Remon). Kết quả, Real dừng chân ngay vòng 1/8 cả Cúp Nhà Vua lẫn Champions League và nhìn đại kình địch Barca chấm dứt 5 năm chờ đợi chức vô địch tại La Liga. Tháng 2/2006, Perez tuyên bố từ chức.
Chiến đấu đến cùng, ADN của Real Madrid
Trở lại với câu chuyện Zidane. Thành công mà huyền thoại người Pháp có được không chỉ nhờ sự thính nhạy trong việc đọc trận đấu hay may mắn. Thành công ấy còn đến từ nền tảng vững vàng là lực lượng hùng hậu. Hãy nhớ, thời điểm Zizou nhậm chức, đội hình Real quy tụ những ngôi sao đang hồi sung mãn nhất như Ronaldo, Marcelo, Ramos, Pepe, Modric hay Kroos.
Không chỉ vậy, hầu hết các ông lớn tại châu Âu đều gặp vấn đề trong giai đoạn này. Đơn cử Barca và Bayern bị sói mòn lực lượng, Chelsea hay Liverpool đang trong thời gian tái tạo, những gã trọc phù như Man City hay PSG còn non kinh nghiệm, Juventus không đủ sức ganh đua còn M.U thì khủng hoảng. Và cũng đừng quên, ngay mùa trước Real dưới sự dẫn dắt của Zidane cũng khủng hoảng nghiêm trọng ở giai đoạn một.
Cụ thể, Real hòa Valencia và Levante rồi thua Real Betis ngay tại Bernabeu chỉ sau 5 vòng đấu mở màn La Liga 2017/18. Tại Champions League, Real hòa trên sân nhà và thua trên sân đối phương trong 2 lần chạm trán Tottenham. Tiếp đến là 3 trận hòa trước Atletico, Fuenlabrada và Athletic Bilbao. Và đỉnh điểm thất vọng đến vào ngày 23/12, khi Real để thua Barca ngay trên sân nhà với tỷ số 3-0, qua đó để đại kình địch bỏ xa tới... 18 điểm trên bảng xếp hạng La Liga chỉ sau giai đoạn lượt đi.
Lopetegui và các học trò cần tập trung vào chuyên môn thay vì lo âu bởi chiến bại đã qua
Cũng trong giai đoạn Real khủng hoảng này, Ronaldo tịt ngòi liên tục. Tính cho đến hết vòng 12 La Liga, Ronaldo chỉ ghi duy nhất 1 bàn với 8 lần ra sân, kém cả Bale lẫn Benzema so với cùng kỳ mùa này. Vậy, nếu Ronaldo và Zidane vẫn hiện diện trong đội hình, tình cảnh Real liệu có khá khẩm hơn? Chắc chắn không ai dám đưa ra câu trả lời sau khi đọc những dữ liệu vừa nêu.
Vậy, Real cần làm gì vào thời điểm này? Dĩ nhiên không phải là chờ chết chìm. Việc cần làm là đoàn kết và nỗ lực hết sức với phận sự được giao, bất kể kết quả ra sao. Nói cách khác, thầy trò Lopetegui cần tập luyện hết sức, thi đấu hết mình và bỏ ngoài tai mọi dè bỉu chỉ trích từ dư luận. Đây không phải là khẩu hiệu sáo rỗng mà chính là truyền thống của đội bóng Hoàng gia.
Đừng quên, lịch sử của Real là lịch sử đấu tranh. Real không có bạn, chỉ có thù. Áp lực từ đối thủ và áp lực từ chính bản thân đã biến Real trở thành đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Họ không cần bao biện việc được chống lưng bởi độc tài Franco, chẳng cần phủ nhận chuyện được trọng tài che chở, họ vào sân với mục tiêu chiến thắng mọi trận đấu, mọi đối thủ và vô địch. Chỉ có vậy họ mới trở thành bất tử, như ban nhạc Wallace Hartley.