Rất tiếc, Zidane bây giờ dù dáng vẫn còn gọn (so với những cầu đã giải nghệ, hãy nhìn Ro béo là rõ) nhưng đã khoác lên mình chiếc áo veste sang trọng. Zidane không còn đủ sức xỏ giày ra sân, như cách đây hơn chục năm.
Khi đó, dù Zidane khoác áo số 5 (do… trung vệ lừng danh Manuel Sanchis để lại, sau khi những số áo đẹp đều đã có chủ trước đó) nhưng đích thực là thủ lĩnh sân cỏ. “Khi chúng tôi không biết phải làm gì, cứ đưa bóng cho Zidane”, Raul Gonzalez từng nói như vậy. Ở đội tuyển Pháp hay CLB Bordeaux ngày trước, Bixente Lizarazu cũng nói như thế.
Có Zidane, một đội bóng sẽ không đánh mất mình về mặt lối chơi. Khi đội nhà bị dồn ép, Zidane sẽ giữ bóng, kìm hãm sự hưng phấn của đối thủ, như kiểu các môn thể thao khác thường có time-out (tạm nghỉ ngắn trong các hiệp đấu) nhưng bóng đá lại không có time-out.
Zidane chính là người tạo ra time-out cho đội bóng của mình, gỡ rối cả về mặt chuyên môn lẫn tinh thần khi Real không thể chơi theo ý muốn, như ở sân nhà Santiago Bernabeu.
Real có quá nhiều những cầu thủ có thể làm trung tâm cho lối chơi
Tất nhiên, Real có Cristiano Ronaldo. Chân sút người Bồ Đào Nha có thể ghi 50 bàn ở La Liga nếu muốn, thực tế cầu thủ này đã 3 lần ghi từ 40 bàn/mùa trở lên, trong đó mùa trước là 48 bàn. Zidane chưa bao giờ đạt đến “hai chữ số” (tức từ 10 bàn/mùa trở lên ở La Liga) trong thời gian chơi cho Real. Về lý thuyết, Ronaldo và Zidane đều là tiền vệ nhưng thực chất một người là tiền đạo (CR7) còn người kia có lối chơi thiên ở giữa sân.
Khi bế tắc, các cầu thủ Real không thể chuyền cho Ronaldo từ giữa sân rồi hy vọng CR7 làm nên điều kỳ diệu. Không khéo, Ronaldo sẽ sút cách xa 45m! Real có James Rodriguez khoác áo số 10, nhưng cầu thủ Colombia này chưa có suất đá chính, hơn nữa anh cũng giống tiền đạo hơn tiền vệ.
Real có Luka Modric từng là “nhạc trưởng” xuất sắc ở Tottenham và đội tuyển Croatia, nhưng ở Real thì Modric chưa bao giờ được yêu cầu (hay có cơ hội) làm “nhạc trưởng”. Như thế là… hỗn, khi Real đã có Ronaldo, Benzema, Bale cùng một loạt danh thủ tấn công khác.
Modric khó có đất diễn ở vai trò tổ chức
Tại Real, Isco cũng có phần giống Modric, hoặc James. Real tất nhiên khác Malaga, đội bóng cũ của Isco, nơi anh có thể thoả sức sáng tạo, như một đầu tàu xốc dậy cả một đoàn tàu không phải lúc nào cũng vận hành ổn thoả. Toni Kroos chưa bao giờ và không bao giờ có thể là “nhạc trưởng”, anh là một cỗ máy chuyền bóng như kiểu Xavi Hernandez ở Barcelona. Cả hai cầu thủ này đều cần môi trường và lối chơi thích hợp để toả sáng. Còn Mateo Kovacic “không tuổi gì” để nói chuyện thủ lĩnh ở Bernabeu?
Tóm lại, khi đã chọn Ronaldo, thì sống và chết với Ronaldo. Real không thể phàn nàn về điều này, vì CR7 quá xuất sắc, còn chuyện anh đá hỏng penalty trước Malaga là xui xẻo mà thôi. Real không thể có tất cả, dù có rất nhiều tiền. Chỉ xui một điều cho các Madridista là Barcelona quá siêu với bộ ba M-S-N.
Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng, đại loại như vậy. Giống Andy Murray trong tennis, nếu không có Novak Djokovic thì tay vợt Scotland đã có nhiều hơn là vẻn vẹn 2 Grand Slam. Trở lại với Real và Zidane. Thực tế dễ thấy: ở Champions League theo thể thức loại trực tiếp, Real vẫn có cơ hội. Còn ở La Liga? Giã từ vũ khí là vừa!
VIDEO: Hai tình huống gây tranh cãi của Ronaldo trận gặp Malaga |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |