1. Sau này, trong những năm tháng mà Odysseus lưu lạc sau cuộc chiến, thần Athena đã nhập vào người Mentor, để trở thành người dẫn dắt Telemachus đứng lên chống lại những kẻ phản bội muốn cướp ngôi và đi tìm cha mình.
Cái tên “Mentor” sau này trở thành một từ trong rất nhiều ngôn ngữ, để chỉ một người thày không chính thức (không phải là trong trường lớp), một người dẫn dắt nhiều kinh nghiệm, hoặc có thể coi là một cố vấn.
Hôm qua, Gerard Pique cũng đã ví Carles Puyol như một người dẫn dắt từ trên trời xuống. Anh gọi người đội trưởng của mình là “thiên thần hộ mệnh của tôi” (tiếng Catalan: El meu angel de la guarda) trong một lá thư chia tay đầy xúc động viết trên facebook.
“Ở bên cạnh anh tôi cảm thấy mình được bảo vệ, biết rằng một ngày nào đó tôi vấp ngã, anh sẽ ở đó để đỡ tôi. Anh là thiên thần hộ mệnh của tôi” – Pique viết – “Tôi sẽ nhớ những buổi trò chuyện, những lời khuyên và tinh thần chiến đấu của anh trên sân. Họ khiến tôi buồn cười khi nói đến việc sẽ mua được Puyol mới. Họ sẽ không bao giờ tìm thấy”.
Gerard Pique đã ví Carles Puyol như một người dẫn dắt từ trên trời xuống
2. Người ta có xu hướng gọi rất nhiều người đi sau là truyền nhân của một ai đó. Ví dụ như nếu gõ 3 từ “Jose Mourinho”, “mentor” và “Villas-Boas” vào Google, thì sẽ cho ra hàng vạn kết quả. Cho dù bản thân Villas-Boas không hề thừa nhận điều này. Ông rất dị ứng nếu ai đó coi Mourinho là người chỉ bảo mình. Nếu ông có học được điều gì, thì đó cũng là một quá trình tự hàm thụ, bởi Jose Mourinho không chủ động dạy dỗ ai hết.
Cái tinh thần của sử thi, khi mà một vị thần sử dụng thân xác của Mentor để chủ động dẫn dắt chàng trai trẻ vượt qua sóng gió, không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy trong thế giới hiện đại.
Để tìm ra một người chủ động “cầm tay chỉ bảo” lớp đàn em trong bóng đá bây giờ không dễ dàng: giữa các cầu thủ chuyên nghiệp bây giờ không có nhiều sự gắn bó, khi mà họ gắn kết lại bởi những hợp đồng lao động, thường xuyên không cùng quốc tịch.
Những thủ lĩnh của bóng đá hiện đại thường là thủ lĩnh chuyên môn nhiều hơn, và ngay cả nếu là một thủ lĩnh tinh thần, họ cũng khó lòng đứng ra ân cần quan tâm đến lớp đàn em theo kiểu Puyol, người mà mối dây gắn kết với các thế hệ sau của Barca rất rõ ràng: họ sinh ra từ cùng một lò La Masia.
Rio Ferdinand từng là tác nhân khiến Pogba và Henderson phải rời M.U
3. Bây giờ chỉ thấy những thủ lĩnh như Rio Ferdinand, không biết đã bao giờ nói chuyện với cầu thủ trẻ nhưng mắng họ như tát nước mỗi khi có chuyện (Pogba và Henderson rời M.U cũng sau màn “rửa mặt” của Rio). Hoặc những thủ lĩnh như Vincent Kompany, chẳng chê trách được điều gì về nhân cách và trình độ ngoại trừ không nói sõi tiếng Anh cho đến gần đây (và nhiều cầu thủ khác trong đội hình Man City cũng không nốt). Hoặc những thủ lĩnh như Iker Casillas hay Wayne Rooney, thường quá bận rộn với những lợi ích của bản thân.
Họ chẳng có gì đáng trách bởi quy luật của bóng đá hiện đại bây giờ không cho phép thường xuyên xây dựng cái hình mẫu gia đình truyền thống như Barca.
Ít khi nào người ta thấy một lá thư xúc động như thế gửi cho một người đội trưởng khi anh giã từ sân cỏ. Và lá thư của Pique đã nói lên tất cả: những hình mẫu “Mentor” như Puyol bây giờ thật sự rất đáng quý.
Và có thể Pique nói đúng, sau Puyol thì ngay cả chính Barca cũng không bao giờ còn được như trước nữa.