Mucho Morbo
Mucho Morbo, dịch theo kiểu “word by word” mang nghĩa dịch bệnh. Nhưng chẳng tín đồ túc cầu giáo Tây Ban Nha nào hiểu Mucho Morbo theo cái nghĩa nặng nề ấy. Đơn giản, trong từ điển bóng đá xứ sở bò tót, Mucho Morbo mang nghĩa là sự thù hận Real Madrid và Barcelona. Tất nhiên, khi người ta đã cố công tìm cho được một từ lóng để nói về sự thù hận, thì nó còn hơn cả… một mối hận thù.
Mucho Morbo được tạo thành bởi sự phân hóa sâu sắc về văn hóa, chính trị, xã hội lẫn tư duy, được bồi đắp bởi 100 năm kình địch trên đỉnh cao nhất của bóng đá Tây Ban Nha, thậm chí cả châu Âu. Đôi ba chục năm trước, để tận hưởng bầu không khí Mucho Morbo, người hâm mộ sẽ phải chờ đợi đến Siêu kinh điển, khi Real đụng Barca, khi CĐV hai đội chạm mặt nhau.
Nhưng hiện thời, cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, thế giới phẳng dần, Mucho Morbo tràn đi khắp muôn nơi, hiện hữu mọi lúc. Nó không còn bó hẹp trong khuôn khổ sân bóng, dù đó vẫn là nơi hàm lượng Mucho Morbo nồng nặc nhất. Bằng chứng nhãn tiền nằm trên Internet, cùng sự hiện diện của báo điện tử và các trang mạng xã hội, những cuộc bút chiến, khẩu chiến bằng bàn phím xuất hiện hàng tuần, bất kể Real, Barca thắng hay thua.
Mucho Morbo, đặc sản riêng của Siêu kinh điển
Thành phần tham gia để tạo nên Mucho Morbo phiên bản số dĩ nhiên vô cùng hùng hậu, từ các cây bút, người hâm mộ trên toàn cầu cho đến các cầu thủ hai đội. Và những cái tên hiện thân cho sự thù nghịch giữa Real và Barca trong thời đại này là Sergio Ramos và Gerard Pique.
Ramos và Pique, là bạn hay là thù?
Trên mặt báo, trên mạng xã hội và cả trên sân cỏ, quá nhiều lần hai trung vệ này cãi vã, cà khịa hay đá đểu lẫn nhau hoặc đội bóng của nhau. Pique nhiều lần cười nhạo những chiến bại của Real trên Twitter, thậm chí việc Real bị loại khỏi Cúp Nhà Vua 2015/16 cũng trở thành đề tài để trung vệ này công kích. Nếu Pique giữ vai trò "phát ngôn viên" cho Barca trên mặt trận mạng xã hội thì đối đầu với trung vệ này là Ramos.
Chưa ai quên, sau thảm bại của đội bóng xứ Catalan trước PSG ở lượt đi vòng 1/8 Champions League, thủ quân Real đã đăng đàn châm chọc đối thủ một cách khoái trá như thế nào. Tất nhiên, cái kết dành cho Ramos sau đó ra sao thì hẳn ai cũng biết. Và mới nhất là vụ Pique đăng tải dòng tweet kêu ca Real được trọng tài thiên vị quá nhiều.
Ramos lập tức bật lại tanh tách: "Nếu Messi nói điều này thì tôi để ý chứ Pique thì chẳng có gì lạ!". Tóm lại, Ramos và Pique luôn tìm mọi cách để kích động sự thù hận giữa Real và Barca, như thể không đội trời chung. Nhưng trớ trêu ở chỗ, cả hai lại đội chung một trời ở đội tuyển Tây Ban Nha, thậm chí còn cùng nhau hợp thành cặp trung vệ số một.
Ramos và Pique có thể xem là biểu trưng của mối quan hệ Real và Barca
Bao nhiêu lần cánh phóng viên ngã ngửa bởi mới hôm trước Ramos và Pique cãi nhau chí chóe tại CLB, hôm sau đã khoác vai trò chuyện như thể tri kỷ trong màu áo La Furia Roja. Bằng chứng chẳng đâu xa, ngay sáng nay trong buổi tập đầu tiên của ĐT Tây Ban Nha đã thế.
Thậm chí trước đợt tập trung, Ramos trả lời ráo hoảnh: "Khi trận đấu kết thúc, chúng tôi sẽ bắt tay nhau. Đó là truyền thống của Real và Barca. Sẽ chẳng có gì thay đổi. Tôi sẵn sàng ôm Pique. Chúng tôi quen với việc bị đối thủ ném đá nhưng những lời nói đều không ác ý. Điều quan trọng nhất là sự đoàn kết của tập thể, của đội tuyển, và đó là điều không thể đánh mất!”.
Còn sự hòa hợp trên sân giữa Ramos và Pique? Nên nhớ một điều, cả hai là thành viên đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 và EURO 2012. Đáng nói hơn nữa, trong chiến dịch bảo vệ chức vô địch châu Âu tại Ba Lan và Ukraine, Ramos và Pique chính là cặp trung vệ của một La Furia Roja sử dụng lối đá tiqui-tacanaccio (thiên về phòng ngự) cả giải chỉ để lọt lưới 1 bàn.
Barca và Real trăm năm thù hận cũng là trăm năm cộng sinh
Mối quan hệ biện chứng giữa Real và Barca
Hận thù giữa Real và Barca để mà kể ra thì chẳng biết bao giờ hết. Nó nhiều vô kể! Nhưng còn một góc nhìn khác mà Real và Barca có thể tránh nói đến nhưng không thể phủ nhận, như Ramos và Pique, họ cần nhau. Mối quan hệ kình địch ấy là động lực cho cả hai đội bóng phát triển, phát triển đến tầm cao nhất mà chẳng có cặp CLB nào đạt tới.
Tại La Liga, Real và Barca cắn nửa miếng bánh bản quyền truyền hình. 18 đội còn lại chia nhau nửa kia. Đó là sự bất công trong mắt nhà chính trị nhưng hợp lý trong mắt nhà tài phiệt. Chẳng ai bật TV để theo dõi một trận đấu tại La Liga mà không có sự hiện diện của Real hoặc Barca và chỉ khi hai đội gặp nhau cả thế giới mới đổ dồn mọi sự chú ý về xứ sở bò tót.
Giả thử, Real và Barca không thù địch, Real hoặc Barca lụn bại, liệu một đội có đủ tầm để cắn hết góc tư phần miếng bánh quyền truyền hình? Một điều dễ nhận ra nữa, khi nhà tài trợ này đầu tư khoản tiền khổng lồ vào Real thì chắc chắn một nhà tài trợ khác cũng đầu từ khoản tiền tương tự vào Barca. Đó là sự cạnh tranh. Và để đáp ứng kỳ vọng, Real lẫn Barca cần duy trì vị thế của họ không chỉ tại Tây Ban Nha mà còn trên bình diện châu Âu.
Chưa ai quên, khi Barca gây chấn động địa cầu với cú “ăn 6” cùng Pep Guardiola, tại Bernabeu lập tức Florentino Perez trở lại và hơn 200 triệu bảng được rót vào TTCN để chiêu binh mãi mã. Chẳng mối liên hệ nào khăng khít đến như thế và cũng chẳng có sự thúc đẩy phát triển nào khủng khiếp đến như thế trong thế giới bóng đá. Vậy nên, Siêu kinh điển luôn có đẳng cấp rất riêng.