Khủng hoảng không tự nhiên sinh ra, cũng chẳng tự nhiên biến mất. "Cú ăn ba" thần thánh của thầy trò HLV Luis Enrique là một chiến tích tuyệt vời của tài năng, tình đồng đội và chất đàn ông của họ. Nhưng đứng trên phương diện quản lý, cuộc khủng hoảng của Barca chưa bao giờ mất. Nó chỉ được che lấp bởi những thành công trên sân cỏ mà thôi.
Và bây giờ, mọi thứ đã được phơi bày. Câu nói “cái gì cũng có giá của nó” chưa bao giờ phù hợp hơn thế. Để có được sự phục vụ của Lionel Messi, Barca đã phải làm mới hợp đồng cho anh hàng năm, lần sau lại cao hơn lần trước. Để có được sự phục vụ của Neymar và Luis Suarez, họ phải trả cho họ những mức lương khổng lồ.
Đấy là cái giá mà Barca phải trả cho việc học theo mô hình của Real Madrid. Đội bóng từng tự hào “tạo ra ngôi sao chứ không mua ngôi sao” ngày nào bây giờ cũng tràn ngập “bom tấn” trong đội hình. Khởi đi từ Zlatan Ibrahimovic, Barca đã liên tục chiêu mộ những bản hợp đồng ồn ào trong mọi mùa Hè, chỉ trừ năm nay khi họ dính án cấm chuyển nhượng.
Bỏ sở trường để đi theo sở đoản, Barca tất nhiên phải choáng váng. Họ không có được cái tài thương thuyết như bộ sậu chuyển nhượng ở Real, vốn đã quá quen với việc mua ngôi sao hàng mùa, suốt cả... mấy chục năm qua. Cái danh bóng bẩy của Real đã là một chiếc nam châm, nó khiến cầu thủ sẵn lòng hy sinh nhận lương ít một chút để có thể đến Bernabeu. Bạn có biết là Pepe, Raphae Varane, Luka Modric và Toni Kroos chỉ nhận lương dao động từ 4,5 đến 6 triệu euro/năm? Trước khi gia hạn cho Sergio Ramos trong mùa hè năm nay, lương cho đội phó của Real cũng chỉ là 6 triệu euro/năm, trong khi ở PSG, lương của Thiago Silva là 12 triệu euro/năm.
Carles Puyol
Barca đi theo Real, nhưng nền tảng của họ không vững, thành ra họ chới với với những con số, họ bất lực nhìn quỹ lương phình lên không thể kiểm soát. Và điều đó đang tạo ra những xáo trộn không nhỏ trong nội bộ. Việc chọn nhà tài trợ Qatar đã khiến Ban lãnh đạo chịu sức ép không nhỏ. Bây giờ, nếu họ đổi tên sân, truyền thống trăm năm của CLB coi như đổ xuống sông.
Carles Puyol rời Barcelona trong cơn khủng hoảng là có lý do của anh. Anh quyết định thôi không làm quan chức mà chuyển sang làm đại diện cho cầu thủ, khởi đầu sẽ là những cầu thủ trẻ ở chính Barca. Nếu anh cảm thấy quyền lợi của những thân chủ mình không đảm bảo, anh sẽ không ngại ngần mang họ rời Nou Camp đi nơi khác. Carles Alena, được xem là cái tên sáng giá nhất của lò đào tạo La Masia hiện tại, đang do Puyol đại diện. Barca liệu mà coi sóc anh này cho đàng hoàng!
Nói cách khác, huyền thoại một thời của Barca là Puyol đang trở thành một hiểm họa cho chính Barca. Đấy là điều cay đắng, nhưng họ đành phải chấp nhận khi quyết định thay đổi triết lý của cả một đội bóng. Gerard Deulofeu đang tỏa sáng rực rỡ tại Everton chính là vì Barca không trao cho anh cơ hội mà lẽ ra anh xứng đáng. Tương lai, Barca sẽ còn nhiều cầu thủ tỏa sáng ở những phương trời khác nữa nếu họ tiếp tục đuổi theo những bom tấn.
Rồi một ngày không xa, các cule sẽ giật mình tự hỏi: “Chúng ta khác gì kẻ thù Real Madrid?”