Khổ từ bé
Nhìn Oezil thi đấu trong màu áo Arsenal, không ít người vẫn hay phê phán rằng anh hời hợt, không có tinh thần tranh đấu gì cả. Rồi nhiều người lại quy chụp Oezil chỉ biết hưởng thụ với vợ là hoa hậu và lương là con số 350.000 bảng/tuần. Thực ra, 30 năm nay Oezil hiếm khi nào được thanh thản. Từ bé tí, Oezil đã phải chịu nỗi khổ của một “người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ”.
Oezil sinh ra tại vùng Gelsenkirchen của Đức vào ngày 15/10/1988. Nhưng gốc gác của gia đình anh thì ở thị trấn nhỏ Devrek ở gần vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, ông bà và bố của Oezil nhập cư vào Đức hòng mưu cầu cuộc sống đỡ vất vả hơn. Devrek là nơi sản sinh ra những công nhân khai mỏ quanh năm đầu tắt mặt tối, chứ không phải nơi sản sinh ra các siêu sao bóng đá.
Sinh ra tại Đức song xuất thân từ một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư, Oezil từ bé đã luôn phải học cách thích nghi với việc bị phân biệt đối xử. Đến mức thầy giáo cũ của Oezil khi nhớ về cậu học trò ít nói thuở nào vẫn hình dung rằng “đó là một cậu bé có phần tự kỷ”. Thời cắp sách tới trường, Oezil thường cố tình đọc sai địa chỉ nhà cho tài xế lái xe đưa đón học sinh. Oezil không muốn mọi người xung quanh biết rằng mình sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo.
Cậu bé Oezil (khoanh tròn) bẽn lẽn vì mặc cảm trong một lần chụp ảnh chung với các bạn cùng lớp bóng đá
Nỗi hờn tủi lên tới đỉnh điểm khi Oezil bị đánh trượt tới 4 lần bởi học viện bóng đá của Schalke. Không phải bởi vì anh kém tài. Ngược lại, anh sớm thể hiện được tài chơi bóng hơn người. Tuy nhiên, cái chính là anh mang cái tên Mesut chẳng có hơi hướng Đức chút nào. Về sau, Oezil uất ức tâm sự trong tự truyện: “Những cậu bé có tên Matthias, Markus hay Michael bao giờ cũng được ưu ái hơn tôi ngay cả khi chúng chẳng khá hơn tôi được điểm gì trên sân bóng cả”.
Sau 4 lần bị đánh trượt chỉ vì cái tên “không giống Đức”, cuối cùng Oezil vẫn thi đậu được vào lò của Schalke nhờ quyết tâm khẳng định mình và tài năng không thể phủ nhận. Tài năng ấy về sau giúp Oezil thành danh ở Bremen, Real và ĐT Đức. Anh cùng Real vô địch La Liga, giành Cúp Nhà Vua Tây Ban Nha rồi cùng Đức vô địch World Cup. Cá nhân anh được mệnh danh là Vua kiến tạo của bóng đá thế giới.
Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người dè bỉu gán cho anh cái mác “Almanci”. Về cái mác khó nghe này, ông chú Memduh Sarac (người mở một hiệu bánh ở thị trấn Devrek) lý giải: “Khi những người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức, họ bị coi như những công dân hạng hai. Khi họ trở về Thổ Nhĩ Kỳ, họ bị gọi là “Almanci”. Có thể hiểu “Almanci” để ám chỉ những người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hòa tan theo văn hóa Đức”. Theo như cách lý giải của chú ruột Oezil, anh bị không ít người Thổ Nhĩ Kỳ coi là “kẻ mất gốc”.
Thế rồi đến tháng 5/2018, Oezil lại trở thành đích tẩy chay của các fan Đức. Tất cả xuất phát từ hình ảnh Oezil cùng đồng đội ở ĐT Đức, Ilkay Guendogan chụp ảnh lưu niệm cùng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan tại London. Sớm không sớm muộn không muộn, sự việc gây tranh cãi này xảy ra ngay trước thềm World Cup 2018. Họa vô đơn chí, đó lại là kỳ World Cup mà ĐT Đức với vị thế nhà ĐKVĐ bị loại tủi nhục ngay từ vòng bảng. Sau kỳ World Cup thất bại ê chề ấy, Oezil đã nói lời chia tay ĐT Đức. Một dấu chấm hết đầy tranh cãi và quá buồn tủi.
Thu mình ở London cũng không yên
Khi Oezil không còn duy trì được những đóng góp quan trọng cho Arsenal, anh vẫn bám trụ lại với Pháo thủ. Có người bảo anh “ngồi mát ăn bát vàng”, lương 350.000 bảng/tuần thì tội gì phải đi đâu. Ông chú Sarac của Oezil thì thông cảm bảo rằng với Oezil, London chẳng khác nào một nơi “tị nạn”. Nếu quay lại Đức khoác áo Bayern chẳng hạn, anh sẽ phải sống sao trước làn sóng tẩy chay của CĐV Đức? Còn nếu nhận lời đầu quân cho các đội bóng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, anh cũng đâu nhận được hoàn toàn sự hậu thuẫn từ các fan Thổ Nhĩ Kỳ. Ở lại Arsenal, người ta có chỉ trích Oezil đi chăng nữa thì mọi chuyện chỉ dừng lại ở khía cạnh chuyên môn. Mà với Oezil, điều tiếng về chuyên môn bóng bánh đơn thuần là thứ điều tiếng dễ chịu nhất rồi.
London là nơi Oezil thu mình cố tìm cho mình hai tiếng “bình yên”. Thế mà giờ cũng không còn được yên nữa rồi. Anh và đồng đội trong đội hình Arsenal, Sead Kolasinac vừa bị cướp tấn công. Sau vụ cướp hụt ấy, Oezil cứ phải nơm nớp sống trong sợ hãi. Anh phải cuống cuồng tăng cường an ninh và chưa thể ổn định tâm lý trong những trận mở màn mùa giải mới của Pháo thủ. Ai khổ bằng Oezil?
Cũng có niềm tự hào Ở thị trấn Devrek của Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ có một con đường được đặt tên là đường Mesut Oezil. Kèm theo đó là tấm biển lớn in ảnh Oezil chụp cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Ông chú Sarac của Oezil bảo ở đâu không biết chứ ở Devrek, mọi người coi Oezil là niềm tự hào. Họ dõi theo các trận đấu của Oezil, hóng các tin tức về Oezil. Chỉ có điều, Devrek không có đội bóng nào cho Oezil nương náu. Cũng có cái sướng Ngày 7/6 năm nay, Oezil kết hôn với người đẹp Amine Gulse. Mỹ nhân cao 1m78 này từng đăng quang vương miện Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 và đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc thi Hoa hậu thế giới cùng năm. Cân nhắc khả năng sang MLS Thời gian gần đây rộ lên tin đồn Oezil có liên hệ với đội DC United bên giải MLS. Theo ông chú Sarac của Oezil, trong bối cảnh Oezil cần một nơi thực sự bình yên cho mình, khả năng có thể anh chuyển sang Mỹ thi đấu là điều hoàn toàn khả thi. |