Hiddink không còn lạ gì Chelsea, nhưng đây lại là một Chelsea rất lạ đối với ông. Ngồi trên ghế VIP bên cạnh cậu học trò cũ Didier Drogba và ông chủ Roman Abramovich dự khán trận đấu với Sunderland, chắc hẳn vị chiến lược gia người Hà Lan đã cảm nhận quá rõ chất lượng đội hình của Chelsea ngày hôm nay thấp hơn rất nhiều so với Chelsea năm 2009 - thời điểm Hiddink thay thế Felipe Scolari.
The Blues vào thời điểm đó cho dù thành tích thi đấu không như ý, nhưng với bộ khung được kết thành nhờ sức mạnh của dàn trụ cột Petr Cech, John Terry, Micheal Ballack, Frank Lampard, Didier Drogba, không quá khó khăn để Hiddink đưa The Blues thời điểm đó trở lại đường ray.
Nhưng hôm nay, chất lượng của Chelsea thật sự là một dấu hỏi quá lớn. Trước Sunderland, người ta chỉ thật sự cảm thấy Oscar, Pedro, Branislav Ivanovic có sự chuyển hóa rõ rệt về tinh thần và phong độ, còn những trụ cột khác thực tế vẫn thi đấu khá tệ. Nemanja Matic và Cesc Fabregas đã xuống phong độ rõ rệt. Diego Costa suốt cả hiệp 1 không có lần xâm nhập vòng cấm nào. Chiến thắng trước Sunderland đến nhờ một quả đá phạt góc, một tình huống penalty, và như vậy rõ ràng là chưa đủ để kết luận Chelsea đã thật sự trở lại.
Sự chia rẽ ở nội bộ Chelsea cũng đặt trước mặt Hiddink nhiều thách thức cực lớn. Theo nhiều nguồn tin, tập thể The Blues đang chia rõ ràng thành hai phe: Ủng hộ Mourinho và “đâm sau lưng” ông. Họ bằng mặt, nhưng không bằng lòng. Người ta nói lợi thế của Hiddink là kinh nghiệm làm việc và tình cảm sẵn có với Chelsea. Nhưng họ quên rằng, Chelsea của năm 2009 so với bây giờ, Hiddink thực tế chỉ có một người bạn là John Terry.
Hơn thế Chelsea cũng phải đối diện với thực tế rằng họ đã sa sút quá lâu, điều đó khiến chặng đường Premier League phía trước đơn giản chỉ là hành trình sinh tồn thay vì cuộc đua tới ngai vàng. Liệu một tập thể ôm mộng lớn nhưng lại không thể chạm tay tới giấc mơ đó còn động lực để chiến đấu hay không?
Có lẽ cũng ý thức quá rõ “bãi chiến trường” mà Jose Mourinho để lại, Hididink chưa dám đưa ra tuyên bố cụ thể nào và khi nhắc về lối chơi mà ông sẽ áp dụng tại Chelsea, vị HLV người Hà Lan cũng chỉ nói một cách chung chung: “Các cầu thủ Chelsea sẽ được tự do chơi bóng. Tôi không muốn bó buộc họ vào điều gì cả. Việc đầu tiên tôi làm sẽ là tìm lại tình cảm với các học trò và NHM Chelsea”.
Với tất cả những phân tích trên, có lẽ NHM Chelsea cũng không thể chờ đợi Guus Hiddink giống như một liều thuốc tiên có thể ngay lập tức hồi sinh một The Blues đã sa sút đến kiệt quệ. Tập trung vào 2 sân chơi FA Cup và Champions League có lẽ vẫn sẽ là mục tiêu số 1 của Chelsea trong phần còn lại của mùa bóng.
Hiddink vẫn là kỷ lục gia ở Chelsea Với tỷ lệ thắng lên tới 73% ở mùa bóng 2008/09 (thắng 16/22 trận), Guus Hiddink chính là HLV có tỷ lệ chiến thắng cao nhất trong lịch sử các đời HLV Chelsea (chỉ tính những HLV có ít nhất 10 trận dẫn The Blues). Khá trùng hợp khi HLV có tỷ lệ thắng cao thứ nhì Chelsea cũng là một người tạm quyền: Avram Grant (67%). |