Bóng đá với Jose Mourinho hay Sir Alex Ferguson có thể chỉ là nghề nghiệp, nhưng với Wenger và Conte là cuộc đời. Phó Chủ tịch Arsenal, David Dein từng bày cách cho những ai muốn mua xe cũ: “Hãy mua xe của Wenger ấy. Vì nó mới toanh. Xe ấy chỉ đi từ nhà đến sân, rồi từ sân về nhà. Ông ta đâu có đi đâu”.
Wenger hoàn toàn không có thú vui nào khác ngoài bóng đá. Khi phân tích số liệu và băng ghi hình mỏi mệt, ông sẽ thư giãn bằng cách... xem lại một trận đấu nào đó. Một lần trả lời phỏng vấn tạp chí của L’Equipe, Wenger đã nói: “Không có bóng đá, tôi sẽ tự sát”. Khi người ta hỏi tới viễn cảnh về hưu, Wenger đã nói: “Tôi chưa biết sẽ làm gì sau khi ngưng làm việc. Ferguson còn mấy con ngựa, tôi thì có gì đâu”.
Conte cũng không khác gì Wenger, yêu bóng đá đến phát rồ. Thời gian ông bị cấm chỉ đạo ở Juventus vì không trình báo vụ dàn xếp tỷ số lúc còn làm việc tại Siena, vợ của Conte đã phải đặt mua một băng ghế huấn luyện trên Ebay đặt trong nhà. Thỉnh thoảng Conte sẽ ngồi lên cái ghế ấy cho... đỡ ghiền. Ông làm việc 16 tiếng đồng hồ một ngày, chỉ ngủ 5 tiếng và 3 tiếng dành cho gia đình.
Thế nhưng Wenger và Conte lại đại diện cho hai trường phái hoàn toàn khác biệt. Một đàng kiến tạo lối chơi, thích kiểm soát bóng. Một đàng là phá lối chơi, thích kiểm soát thế trận. Wenger đại diện cho lớp HLV thời cũ, khi vào sân thì hay ngồi trầm ngâm quan sát, để các cầu thủ tự đá. Conte đại diện lớp HLV mới, thích can thiệp sâu vào trận đấu. Ông thả mình vào thế trận, hồi hộp theo từng pha bóng, la hét khi thấy đội nhà bị trọng tài thổi ép.
Wenger là một quản lý, đừng từ trên nhìn xuống. Conte thì bước xuống ngang với cầu thủ, cầm tay chỉ việc. Victor Moses mùa này chơi hay vì được Conte trực tiếp kèm cặp. Mỗi lần học trò tập luyện mà Conte thấy không ưng ý, ông lao luôn vào sân thị phạm. Còn Wenger sẽ giao sân tập cho người khác, ông chỉ đứng từ xa quan sát.
Đã có lúc, Wenger đại diện cho một điều gì đó thật mới mẻ, đầy tinh thần cách tân. Wenger có công lớn trong việc quét sạch văn hóa ăn nhậu ra khỏi bóng đá Anh trong thập niên 1990. Đấy là nền tảng để Premier League trở thành giải đấu chuyên nghiệp nhất hành tinh, rồi bây giờ trở thành đế chế về hình ảnh, tiền bạc.
Nhưng thời gian trôi qua, Wenger giờ mang cái mác là người an phận, ngại thay đổi, thậm chí bảo thủ. Còn Conte thì trẻ, đầy khát khao và hoài bão, không khác gì thuở Wenger vừa đến nước Anh. Trận đấu này chính là cuộc chiến giữa Conte - người đương thời và Wenger - người của quá khứ.
Giữa Wenger và Conte có những gạch nối quan trọng. Đó là cuộc so tài ở lượt đi Premier League 2016/17, Arsenal hạ Chelsea 3-0. Sau cột mốc ấy, Chelsea chuyển hẳn sang đá 3-4-3 và thẳng tiến đến chức vô địch. Kết thúc Premier League mùa này, Conte đã làm được điều mà cả Sir Alex, Mourinho hay Wenger cũng chưa từng làm được: thắng 30 trận/mùa Premier League.
Và nhờ Conte, người ta thấy Wenger kỳ thực không hề bảo thủ. Bởi trong giai đoạn cuối mùa, Wenger đã chuyển sang chiến thuật 3-4-3 sau mấy chục năm trời chỉ dùng sơ đồ 4 hậu vệ. Nghĩa là cuộc đấu này chính là 3-4-3 “made in Italia” 100% và 3-4-3 mới được áp dụng. Nhưng có sao đâu, họ cho nhau một động lực thay đổi. Wenger ít khi nhậu với HLV đội bạn như thông lệ của bóng đá Anh. Nhưng Wenger nên ngồi với Conte một bữa, có khi ông lại tìm ra bạn... nhậu vong niên!