Tin buồn là giải đấu đã đánh mất đi sự hào hứng vốn có như khi còn ở thể thức cũ, với quá nhiều trận đấu tẻ nhạt và chất lượng chuyên môn kém. Tin vui là rốt cục những trận đấu ấy cũng đã ở sau lưng, để chúng ta hướng đến vòng knock-out với sự hào hứng lớn hơn. Sau 2 tuần tranh tài, rốt cục số đội dự EURO từ con số 24 mở rộng đã trở lại với con số 16 như ban đầu. Nghĩa là bây giờ, EURO mới thật sự khởi đầu. Có lẽ UEFA đã quên mất một câu ngạn ngữ quen thuộc: “Nếu không hỏng hóc, đừng sửa”.
UEFA mở rộng quy mô lên để trao cơ hội cho những đội bóng nhỏ. Nhưng ngay cả khi không có thể thức khôi hài là lấy 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất, thì Bắc Ireland và Xứ Wales vẫn có vé vì họ kết thúc bảng đấu của mình ở hai vị trí dẫn đầu. Đấy là hai đội bóng đã có sự tiến bộ vượt bậc thời gian qua. Xứ Wales có những cá nhân xuất sắc trong khi Bắc Ireland có chiến thuật cực kỳ hợp lý.
Ireland gặp Pháp ở vòng 1/8
Ngược lại, việc sàng lọc không kỹ ngoài vòng loại đã tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Thụy Điển ru ngủ khán giả. Những trận đấu của họ luôn rất nghèo nàn. Khi Thụy Điển có được cú sút trúng đích đầu tiên trận gặp Bỉ, người ta như nghe được tiếng thở dài từ đội tuyển nước này. Một đội tuyển không ghi nổi bàn nào, thậm chí số cú sút trúng khung thành còn ít hơn số trận thi đấu thì đấy không thể là đội bóng đỉnh cao, xứng đáng dự VCK.
Và vì thể thức mới, Bồ Đào Nha mới có cơ hội đi tiếp vào vòng 1/8 dù không thắng nổi trận nào. Cristiano Ronaldo chơi thất vọng cả hai trận đầu rồi mới lập cú đúp ở trận đấu chót. Cú đúp ấy chả thể giúp Bồ Đào Nha có được chiến thắng, nhưng vẫn giúp họ có vé đi tiếp. Thế mới khôi hài. Đội bóng của Ronaldo đã chơi bóng với tư duy của một đội “cửa dưới” đúng nghĩa, chứ không phải như cái cách mà CR7 coi thường Iceland.
Vì thể thức mới, 4 đại diện của Anh quốc thế là góp mặt đủ ở vòng knock-out. Trận Anh - Xứ Wales mà truyền thông xứ sương mù bơm vá lên rốt cục không khác gì trận Tottenham - Swansea ở Premier League, với quá nhiều đường chuyền hỏng và những pha xử lý kỹ thuật vụng về.
Anh gặp Iceland
Cũng vì thể thức này, các ứng cứ viên vô địch thật sự đã không phô diễn sức mạnh sớm. Họ biết việc bị loại còn khó hơn việc đi tiếp, nên đều đá rất cầm chừng. Lần đầu tiên kể từ EURO 1996, vòng bảng kết thúc mà không có một đội nào toàn thắng cả ba trận. Italia thua trận đấu chót và các tifosi còn khen họ “khôn ngoan” vì biết giấu bài và dưỡng sức. Đức cũng chỉ mới đá với khoảng phân nửa sức mạnh thật sự.
Vì thể thức quái lạ này, mới có chuyện những anh tài của châu Âu đều dồn cả qua một nhánh. Italia kết thúc bảng đấu ở ngôi đầu, nhưng họ không cách gì né nổi Tây Ban Nha ở vòng 1/8, đội cũng chẳng vui sướng gì khi phải chạm trán Azzurri. Anh gặp Iceland cho dù cả hai đều về nhì ở vòng đấu bảng. Những trận đấu ở vòng cuối thậm chí còn chẳng diễn ra cùng giờ. Đấy là môi trường để tiêu cực phát sinh.
Nhưng biết sao được, khi UEFA giờ chỉ còn chạy theo những món tiền tài trợ và cố làm mọi cách để là hài lòng truyền hình. Và cũng may là vòng bảng ngớ ngẩn cũng đã khép lại. Món ngon của EURO giờ mới dọn lên.