Cho tới lúc này, có thể kể ra ĐT Anh với nhiều pha dẫn bóng qua người nhất, 85 lần sau 270 phút thi đấu. Nhưng đó là trường hợp cá biệt. EURO 2016 quá thiếu những khoảnh khắc đi bóng bùng nổ như Cristiano Ronaldo hay Arjen Robben từng thể hiện trong quá khứ. Lý do nằm ở đâu?
Đầu tiên cần phải nhấn mạnh rằng ĐT Anh là đội hiếm hoi dám chơi tấn công thực sự ở 2 trận đấu đầu tiên. Xu hướng chung hoàn toàn ngược lại, thận trọng và tránh bất cứ một sai lầm nhỏ nào, vốn có thể dẫn tới hậu quả là bị loại ngay từ vòng bảng. Lối chơi chặt chẽ, hạn chế tối đa khoảng trống của đối thủ khiến những ngôi sao dẫn bóng không còn đất diễn.
Nguyên nhân thứ 2 là sự chuyển dịch khái niệm dẫn bóng đột phá. Trong bóng đá hiện đại, những pha đi bóng cần sức mạnh, tốc độ và khả năng đưa bóng tới khoảng không. Đó không phải khái niệm dẫn bóng truyền thống, vốn khó khăn hơn khi cầu thủ tấn công phải lừa bóng qua hậu vệ đối phương để chiếm lĩnh vị trí được bảo vệ.
Gareth Bale từng là ngôi sao hàng đầu về khả năng đột phá cá nhân, tốc độ của anh là thứ vũ khí hủy diệt trong những pha đi bóng kiểu hiện đại. Tài năng của Bale là khiến trận đấu đôi lúc tưởng như chững lại, rồi đột ngột tăng tốc bằng sức mạnh và tốc độ của một VĐV điền kinh, trước khi tìm kiếm cơ hội chuyền hoặc sút. Kết quả là anh đang dẫn đầu về số lần cầm bóng đột phá sau vòng đấu bảng, 13 lần.
EURO 2016 vẫn còn những cầu thủ dẫn bóng kiểu truyền thống hơn Bale. Nolito, Dimitri Payet, Leroy Sane, Xherdan Shaqiri là những ví dụ điển hình. Nhưng họ chưa có nhiều pha đi bóng như thế khiến người ta phải xuýt xoa.
Như đã đề cập, thực tế đó có thể lý giải bởi vòng đấu bảng vẫn còn quá nhiều đội bị ám ảnh bởi lối chơi thận trọng. Những người lạc quan kỳ vọng rằng sẽ được chứng kiến những trận cầu mãn nhãn hơn từ vòng 1/8, với những ngôi sao tấn công sẵn sàng loại bỏ hàng thủ đối phương chỉ bằng một pha dẫn bóng qua người.