Con đường đi đến thành công với Griezmann là một hành trình dài, ít nhất cũng phải 833km theo đường bộ. Đó là khoảng cách từ Macon (Pháp) đến San Sebastian (Xứ Basque, Tây Ban Nha) để cậu nhóc 14 tuổi theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ.
Nếu là người có đam mê, chắc hẳn chúng ta hiểu cảm giác đau đớn khi bị từ chối, đặc biệt là bởi những người thân thuộc. Khi không chỉ một, mà rất nhiều người nói bạn không đủ khả năng, cú sốc đó có thể lấp đầy cả tuổi thơ. Nhưng Griezmann, thay vì úp mặt xuống gối khóc nức nở, chấp nhận vượt quãng đường gần nghìn cây số chỉ để dự buổi thử việc vỏn vẹn 1 tuần của Real Sociedad.
Ý chí đó thật hiếm gặp, nhất là ở một cậu bé 14 tuổi. Anh từng đến gõ cửa PSG, niềm tự hào khu vực Saint-Etienne hay đội bóng yêu thích Lyon, tất cả đều nói không với lý do thể hình quá thấp bé. Đó là khi Griezmann biết mình phải trưởng thành lúc vị thành niên, hy sinh tuổi thơ đầm ấm để sống cùng những người khác lạ, nói 1 thứ tiếng khác lạ và ở một đất nước xa lạ.
Griezmann từng bị quê hương ruồng bỏ lúc còn nhỏ
Rồi theo thời gian bằng bẵng, người Pháp bỗng gọi Griezmann là niềm hy vọng số 1 của mình sau 11 năm sống và thi đấu trên đất Tây Ban Nha. Karim Benzema không thể thi đấu, trọng trách ghi bàn bất ngờ giao trọn cho tiền đạo 25 tuổi.
Cũng phải thôi, với đa phần là những người không biết Griezmann đã trải qua điều gì để có ngày hôm nay, CĐV Pháp chỉ biết anh là chủ công quan trọng nhất đã đưa Atletico lọt đến trận chung kết Champions League và đấu tay bo cùng Real, Barca tại La Liga.
Ký ức cô đơn và buồn bã còn lại, như sự thiếu công bằng vẫn luôn tồn tại trên thế gian, bị mai một đi nhiều theo thời gian. Dù nó vẫn thường len lỏi trong tâm trí Griezmann mỗi khi nhớ về quãng ngày khó khăn xưa.
Nước mắt của Griezmann khi tuyển Pháp bị loại khỏi World Cup 2014
Thoát khỏi vòng tay cha mẹ từ nhỏ, chẳng khó hiểu khi Griezmann không nền tính, trái lại còn có chút bốc đồng và hàm chứa tư tưởng nổi loạn. Nó thể hiện qua khuôn mặt bặm trợn khi cáu gắt, các hình xăm chằng chịt, phong cách bụi bặm và mái tóc cầu kỳ đủ màu sắc. Bên ngoài sân cỏ, vấn đề kỷ luật của Griezmann cũng từng được Diego Simeone nhắc nhở nhiều lần. Nhưng, quê hương vẫn là một phần đau đáu trong “cậu bé hư” kia.
“Tôi không biết dùng từ gì để diễn tả niềm hạnh phúc khi được khoác áo ĐT Pháp. Chỉ biết gửi lời cám ơn tới tất cả những người thân đã giúp đỡ, dạy dỗ để tôi có được ngày hôm nay”, Griezmann xúc động khi biết mình có tên trong danh sách 23 tuyển thủ Pháp dự World Cup 2014.
Đó là lần đầu tiên Griezmann được dự một giải đấu lớn cấp độ quốc gia. Cảm giác được thừa nhận, rồi sau đó trở thành niềm hi vọng số 1 sau đó 2 năm đủ để người ta quên đi mình đã từng tuyệt vọng thế nào. Còn với nước Pháp, họ từng có một Napoleon Bonaparte vĩ đại và suýt chút nữa lãng phí một “chú lùn” khác như Griezmann.