EURO 2020: Ngôi sao hay tập thể?

KINH THI
13:36 ngày 09/06/2021
Bóng đá là môn tập thể. Nhưng trong bóng đá, người ta vẫn luôn nhìn nhận vai trò cá nhân của các ngôi sao. Lại có không ít trường hợp, các siêu sao không thể một mình xốc vác đội bóng của họ như kỳ vọng. Tóm lại, thắng thế đang thuộc về lối chơi tập thể hay tài nghệ ngôi sao, và EUR0 2020 liệu có khác?

Hơn chục năm nay, có hai siêu sao vượt trội hoàn toàn. Ai cũng biết đó là Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) và Lionel Messi (Argentina). Nhưng giá trị của Messi và Ronaldo trong ĐTQG của họ thì khác nhau như ngày và đêm.

Ngày xưa, một mình Diego Maradona kéo cả đoàn tàu rệu rã Argentina 2 lần liên tiếp vào chung kết World Cup, 1 lần vô địch. Giờ thì ngược lại: có chăng, Messi chỉ… kéo lùi ĐT Argentina. Khi Messi đá hỏng luân lưu khiến Argentina thua Chile trong trận chung kết Copa America “Centenario”, đấy là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi người xem có thể “thấy trước” một pha sút hỏng 11m. Vì sự kém cỏi về ý thức, tinh thần đồng đội của Messi, đã lộ ra quá rõ ràng. Đấy sẽ là cú sút hỏng của một cầu thủ đang cáu bẳn.

Ở thái cực ngược lại, “Ronaldo và những người bạn” vô địch EURO 2016, trong giải đấu mà ảnh hưởng cá nhân của Ronaldo đã được nâng lên đến hàng nghệ thuật. Kể cả khi không có mặt (phải sớm rời sân vì chấn thương ở chung kết), Ronaldo thể hiện rất rõ vai trò “đầu tàu” như một HLV, ngoài đường biên. Trước đó thì nào là hiện tượng “dừng” trên không trung để ghi bàn, nào là tả xung hữu đột để kéo Bồ Đào Nha qua khỏi vòng bảng. HLV Fernando Santos trả lời trước những câu hỏi mang tính chỉ trích, rằng Bồ Đào Nha quá phụ thuộc vào Ronaldo: “Không có HLV nào trên thế giới này lại không vui mừng phụ thuộc vào một siêu sao như Ronaldo. Chỉ sớm muốn cũng chẳng có”.

ĐT Pháp không chọn lối chơi xoay quanh ngôi sao nào

Đấy chính là chỗ mấu chốt: cả Bồ Đào Nha lẫn Argentina đều “vui lòng” phụ thuộc vào siêu sao số 1 thế giới mà họ có. Lối chơi toàn đội phải xoay quanh siêu sao ấy. Chẳng qua, Messi kém nên không thể một mình xoay chuyển toàn cục để giúp Argentina trong những thời điểm quan trọng (cái chỗ tồi tệ này không liên quan đến thiên tài chơi bóng của Messi).

Chẳng phải không có, cũng không thể luôn có hiện tượng một cá nhân xoay chuyển toàn cục để kéo toàn đội đến chiến thắng. Bóng đá qua ngàn đời nay luôn là như vậy. Vì sao? Vì bóng đá là môn chơi của những quan điểm, phương pháp khác nhau, chứ chẳng có cái nào là đúng hoặc sai, là đảm bảo dẫn đến thành công hay thất bại. Vì sao ĐT Pháp không chọn lối chơi xoay quanh ngôi sao nào? Vì chẳng ai dám vỗ ngực gọi mình là “sao”, khi những Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Paul Pogba, N’Golo Kante… đứng cạnh nhau, và trước mặt họ là HLV Didier Deschamps. Pháp không có ngôi sao vượt trôi đơn giản vì trong đội bóng ấy, kẻ “xách nước bổ cam” cũng đã là ngôi sao rồi. Thậm chí, khi nào cũng có hàng chục ngôi sao không được vào ĐT Pháp vì hết chỗ.

Có một thay đổi quan trọng qua năm tháng: đó là trình độ huấn luyện ngày càng tăng cao. Đây là điều chắc chắn. Bởi người ta có thể dạy nhau, có sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật. Trình độ huấn luyện tăng đều trong khi “thiên tài” bóng đá thì không thể dạy, không thể tăng đều. Hệ lụy là gì? Hình ảnh ngôi sao một mình “gánh Team” nay đã khác xưa rất nhiều. Trước đây, đấy là mẫu người hùng như Maradona tại World Cup 1986: dẫn bóng solo ghi bàn. Hoặc như Michel Platini tại EURO 1984: ghi đến 9 bàn (5 trận) trong vai tiền vệ để đem về chức vô địch cho một đội bóng mang tiếng là không bao giờ có khả năng vô địch. Đấy là mẫu ngôi sao luôn tự quyết định sẽ làm gì. Họ càng trở nên “lợi hại” trong bối cảnh lối chơi toàn đội đã bế tắc.

Giờ thì khác. Nói như HLV Santos, ông tự hy sinh những chỗ tốt đẹp trong lối chơi toàn đội để phụ thuộc vào Ronaldo. Có hẳn “đấu pháp phụ thuộc”, chứ không phải Bồ Đào Nha bế tắc và Ronaldo một mình cứu đội. Rất rõ ràng: khi chọn “phương án phụ thuộc”, mọi pha lên bóng của Bồ Đào Nha đều phải qua chân Ronaldo, từ đó mất luôn tính sáng tạo, chưa kể đối phương dễ bắt bài, đối phó. Nhưng Santos chấp nhận và ông đưa Bồ Đào Nha lên ngôi vô địch EURO 2016 nhờ biết cách phụ thuộc Ronaldo. HLV khác sẽ chọn cách khác, tìm cách phát huy tài nghệ của mọi ngôi sao Bồ Đào Nha cho “đỡ uổng”.

EURO 2020 liệu sẽ có cá nhân nổi bật, lấn lướt những giá trị tập thể? Khả năng cao là sẽ có nhiều. Bởi chiến thuật chung bão hòa đến nơi rồi. Phải có cá nhân làm nên khác biệt, mới mong thành công.

Ronaldo giúp Bồ Đào Nha cỡ nào?
Một mình Cristiano Ronaldo đã ghi cho ĐT Bồ Đào Nha tới 103 bàn thắng. Nhiều hơn tổng số bàn thắng của các tuyển thủ Bồ Đào Nha còn lại thì dĩ nhiên rồi, nhưng sự vĩ đại của Ronaldo chưa dừng lại ở đó. Trong tổng số 23 đội còn lại ở VCK EURO 2020, chỉ có 4 đội mà 26 cầu thủ của họ cộng lại ghi bàn nhiều hơn Ronaldo. Đó là Thụy Sỹ, Đức, Pháp, Bỉ. Tổng số bàn thắng mà 26 tuyển thủ Anh ghi được cho “ứng cử viên vô địch” này chỉ là 82 - kém Ronaldo rất xa.

9 - Cho đến nay, thành tích ghi 9 bàn tại EURO 1984 của Platini vẫn là kỷ lục về số bàn thắng của một cầu thủ tại một kỳ EURO. Từ EURO 1988 đến nay, Vua phá lưới nhiều nhất cũng chỉ ghi được 6 bàn trong một kỳ EURO.

#
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất