Có lẽ không cần phải định nghĩa thêm về khái niệm “hiệp phụ” nữa, khi 30 phút thi đấu thêm nếu như 90 phút chính thức khép lại với tỷ số hòa đã trở nên quá quen thuộc trong lịch sử bóng đá. Tuy nhiên, hiệp phụ ra đời từ khi nào, mặt lợi - hại của nó ra sao có lẽ chưa nhiều người biết tới.
Theo khẳng định của cây bút Andrew Murray trên tạp chí FourFourTwo, những bút tích đầu tiên về khái niệm “hiệp phụ” đã từng xuất hiện trong cuốn sách luật bóng đá Anh từ năm… 1897, sớm 61 năm so với thời điểm lần đầu tiên hiệp phụ xuất hiện trong một trận đấu chính thức.
Vào năm 1922, trận chung kết Cúp Quốc gia Đức giữa Hamburg và Nuremburg trở thành trận đấu đầu tiên được ghi nhận đã xuất hiện thời gian thi đấu bổ sung ngoài 90 phút thi đấu chính thức. Năm đó, Hamburg và Nuernburg hòa nhau 2-2 sau 90 phút. Hai CLB tiếp tục thi đấu thêm hơn 10 phút nữa thì trận đấu dừng lại vì… trời quá tối. 7 tuần sau, trận đá lại diễn ra.
Đối với một giải đấu bắt buộc phải diễn ra trong khung thời gian cố định, hiệp phụ là giải pháp để một trận đấu loại trực tiếp có thể kết thúc ngay trong ngày, thay vì phải đá lại. Ý tưởng này được đón nhận tích cực và sớm được áp dụng tại EURO 1960. Trong trận chung kết năm đó, Liên Xô đã thắng Nam Tư 2-1 nhờ bàn thắng trong hiệp phụ của Ponedelnik.
Đội đầu tiên gặt hái vinh quang ở hiệp phụ là Liên Xô tại EURO 1960 với bàn thắng của Ponedelnik còn gần nhất là Đức tại World Cup 2014
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tâm lý thì việc chịu thua trong những “khoảng thời gian bất thường” (ám chỉ hiệp phụ) ban đầu lại không dễ chịu chút nào. Tại Olympic Berlin 1936, Áo từng thua Peru 2-4 trong hiệp phụ (hiệp chính hòa 2-2).
Người Áo ấm ức với thất bại đó và khiếu kiện BTC yêu cầu được… đá lại. Điều khôi hài là BTC lại chấp nhận khiếu kiện của ĐT Áo vì lý do “sân bãi không đảm bảo an toàn và CĐV Peru thậm chí còn tràn xuống sân và có người mang theo cả súng”. Rốt cuộc, Áo thắng 2-0 trong trận đá lại 2 ngày sau đó. Bức xúc vì bị xử ép, Peru rút toàn bộ VĐV khỏi Olympic. Đây là lần đầu tiên kết quả của hiệp phụ không được công nhận.
Vậy nếu hai đội tuyển tiếp tục hòa nhau sau hiệp phụ, điều gì sẽ diễn ra? Phải mãi tới năm 1970, FIFA mới đưa loạt đá luân lưu vào luật. Đá luân lưu 11m nếu hiệp phụ tiếp tục kết thúc với tỷ số hòa là giải pháp nhằm giảm thiểu sự ấm ức sau sự kiện kinh điển tại EURO 1968. Đó là năm mà Italia đụng độ Liên Xô ở bán kết. Sau 120 phút hòa nhau, trọng tài quyết định… tung đồng xu chọn người chiến thắng và Italia trở thành đội tuyển đầu tiên cũng như duy nhất trong lịch sử EURO thắng nhờ đồng xu.
Lịch sử 119 năm của hiệp phụ - Khái niệm “hiệp phụ”, hay đơn thuần chỉ là “thời gian cộng thêm sau 90 phút thi đấu chính thức”, thật bất ngờ, xuất hiện trong một sách luật bóng đá của Anh từ năm…1897. - Tới năm 1922, một trận đấu ở Đức giữa Hamburg và Nuernburg đã phải sử dụng thời gian thi đấu thêm sau khi 90 phút kết thúc. - Trong trận chung kết Cúp C1 năm 1958, Real và Milan đã phân định thắng thua trong hiệp phụ. Đây là lần đầu tiên hiệp phụ xuất hiện ở một giải đấu chính thức cấp độ CLB, nhưng nó chỉ áp dụng cho trận chung kết. - EURO 1960 là kỳ EURO đầu tiên hiệp phụ xuất hiện. Liên Xô là đội tuyển đầu tiên thắng nhờ hiệp phụ tại EURO. - Tới Cúp C2 mùa 1967/68, các trận đấu loại trực tiếp đã bắt đầu xuất hiện hiệp phụ. - Lần đầu tiên hiệp phụ và loạt luân lưu được đưa vào áp dụng tại các giải đấu lớn cấp độ đội tuyển là EURO 1976. |