Điểm nhấn chiến thuật EURO 2024: Sự tự do trong tính hệ thống

Thành Vũ
17:56 ngày 20/06/2024
EURO 2024 chứng kiến nhiều xu hướng chiến thuật của bóng đá thế giới cùng xuất hiện, trong hình hài của những đội tuyển lớn như Đức, Italia, Pháp hay Anh…

Chiến thuật bóng đá luôn phát triển và tiến hóa. Trong thập niên đầu tiên ở thế kỉ 2000, bóng đá thế giới chứng kiến những ngôi sao thi triển toàn bộ phẩm chất cá nhân của mình trong sự tự do mà họ có được. 10 năm sau đó, Jose Mourinho, Pep Guardiola nổi lên trong sự đối lập giữa 2 phong cách có tính tổ chức cao. Các trận đấu khi ấy nhìn chung có sự đối lập với thập kỉ trước đó khi sự tính toán được đề cao. 

Trong guồng quay ấy, chiến thuật bóng đá thêm một lần “đổi xu hướng” khi các đội bóng bây giờ vừa được thiết lập một cách khoa học, nhưng cũng vừa có đất diễn và sự tự do cho những cá nhân ở đẳng cấp cao. EURO 2024 đang diễn ra tại Đức phần nào đang bắt kịp xu hướng ấy. 

Đức, Italia: Hệ thống hay, con người tốt

Có một điểm chung trong cách đội tuyển Đức, Italy hay Tây Ban Nha chơi bóng, là việc họ sử dụng nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau trong cùng một trận đấu nhằm phục vụ cho những ý đồ khác nhau ở thời điểm có bóng và không bóng. 

Đội chủ nhà dưới sự dẫn dắt của Julian Nagelsmann có thể xem là tập thể ấn tượng nhất cho đến lúc này, bằng một phong cách tấn công xem rất thích mắt. Khi phòng ngự, Đức bố trí sơ đồ 4-4-2/4-2-3-1 tương đối cơ bản. Ở đó, Jamal Musiala và Florian Wirtz chơi như các tiền vệ biên. 

Điểm đặc biệt diễn ra khi cặp đôi này gần như không xuất hiện ở khu vực sát đường biên dọc khi Đức có bóng. Cặp hậu vệ biên Joshua Kimmich và Maximilian Mittelstadt chiếm lĩnh 2 khu vực này, trong khi cặp đôi tiền vệ tấn công sinh năm 2003 được trả về khu vực hoạt động ưa thích của mình. Họ cùng với Ilkay Gundogan và Kai Havertz tạo nên khối 4 cá nhân tấn công được trao sự tự do đến từ Nagelsmann. 

Ở tuyến dưới, Toni Kroos chơi ngang hàng với các trung vệ trong vai trò điều tiết bóng, còn Robert Andrich đứng ở trung tâm khối đội hình và sẵn sàng phản xạ để đoạt bóng khi ĐT Đức đánh mất quyền kiểm soát. 

Họ phòng ngự 4-4-2, nhưng triển khai bóng với cấu trúc 3-1-6. 

Cấu trúc đội hình khi có bóng của ĐT Đức

Có thể nhận định rằng, cái hay của Nagelsmann là việc trong một thời gian không dài, HLV này đã đặt những con người tốt nhất của ĐT Đức vào những vị trí phù hợp với phẩm chất của chính họ và tạo ra sự tự do nhất định ở từng khu vực. 

Một người điều tiết giỏi chơi cùng một người thu hồi bóng hay. Những tiền vệ tấn công muốn kiểm soát bóng và tạo đột biến được xếp gần với những cá nhân vừa có thể chơi ở phạm vi hẹp, vừa sẵn sàng tấn công khoảng trống như Gundogan và Havertz. Ở ngoài biên, chất lượng đường chuyền của Kimmich và Mittelstadt luôn sẵn sàng phát huy giá trị. 

Tính linh hoạt của 4 cầu thủ tấn công tạo ra sự nguy hiểm của Đức

Đó là sự tự do trong tính hệ thống – chìa khóa cho những màn trình diễn ấn tượng của ĐT Đức. Trong một giải đấu không có nhiều thời gian để chuẩn bị, với những cầu thủ có kiến thức bóng đá tốt, thì tạo nên một cấu trúc chơi đủ cân bằng, rồi trao cho từng vị trí sự tự do nhất định có thể xem là một lựa chọn phù hợp.

Italy của Luciano Spalletti cũng mang trong mình định hướng ấy, với một tư duy khác dựa trên phẩm chất của cầu thủ. Đội bóng này cũng phòng ngự với 4 hậu vệ, nhưng tấn công bằng cấu trúc 3-2-5 quen thuộc tại bóng đá châu Âu những năm qua. 

Điểm nhấn của người Ý là cấu trúc hình vuông được tạo nên bởi 4 tiền vệ ở trung lộ. Jorginho cùng Nicolo Barella chơi thấp hơn một chút, trong khi Davide Frattesi và Lorenzo Pellegrini là những người kết nối. Italy đương nhiên không chơi nhanh, trực diện và tốc độ như Đức, nhưng họ đủ sức kiểm soát trận đấu và sẵn sàng tăng tốc từ 2 biên với cặp đôi Federico: Dimarco và Chiesa. 

Cấu trúc đội hình của ĐT Italy với 4 tiền vệ trung tâm

Bỉ, Hà Lan: Cấu trúc rõ ràng, con người chưa phù hợp

Đối lập với sự hoàn thiện của Đức, Italy hay phần nào đó là Tây Ban Nha là hình ảnh thiếu hoàn thiện đến từ Bỉ và Hà Lan. Domenico Tedesco cùng Ronald Koeman có những ý tưởng của riêng mình về cách thức vận hành. Cả 2 đội đều sử dụng nhiều hơn 1 hệ thống chiến thuật trong cùng một trận đấu theo các thời điểm khác nhau, nhưng chất lượng nhân sự lại là một vấn đề lớn. 

ĐT Bỉ của Kevin De Bruyne sở hữu nhiều cá nhân có khả năng xuyên phá, điều dẫn đến quyết định bố trí đội hình 4-2-4 có cự ly rất rộng khi có bóng. Họ kéo giãn đội hình toàn mặt sân, tăng tốc từ 2 biên nhằm mục đích tạo ra khoảng trống tốt nhất để De Bruyne thi triển khả năng sáng tạo của mình. Thế nhưng, cả Leandro Trossard, Jeremy Doku đều không có được một trận đấu ấn tượng, trong khi cặp tiền vệ trung tâm gặp quá nhiều khó khăn trong việc hướng bóng lên phía trước. 

Cấu trúc 4-2-4 có cự ly rất rộng khi có bóng của ĐT Bỉ

Hà Lan cũng vậy. Họ trở về với bản ngã của mình trong cấu trúc 3-4-3 kim cương khi có bóng. Tuy vậy Cody Gakpo tỏ ra quá thiếu hiệu quả khi phải chơi sát hành lang trái, tài năng trẻ Xavi Simons không thể bắt nhịp được khi được xếp chơi lệch phải, còn tiền đạo Memphis Depay trong một vai trò yêu cầu sự toàn diện thì gần như không đáp ứng được từ khả năng liên kết lẫn kết thúc tình huống. 

Ý tưởng là có, nhưng những con người lại không thực sự phù hợp hoặc phát huy chất lượng trong ý tưởng ấy. 

Anh, Pháp, Bồ Đào Nha: Dấu ấn cá nhân

Chiều hướng còn lại trong màn thể hiện của những đội bóng lớn đến trong lối chơi của Anh, Pháp và Bồ Đào Nha. Họ đương nhiên có những cấu trúc bố trí đội hình của riêng mình, nhưng Gareth Southgate, Didier Deschamps và Roberto Martinez cho phép các cầu thủ quan trọng của mình phá vỡ sự lớp lang và cấu trúc ấy để thể hiện phẩm chất cá nhân. Bởi lẽ đó, 3 đội bóng này không thực sự chiến thắng thuyết phục như những gì Đức hay Italy đã làm được, nhưng sự đáng sợ của họ đến với phẩm chất của từng cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân. 

ĐT Anh chưa thể định hình được đội hình với vấn đề ở hành lang cánh trái, nhưng ở biên đối diện, Kyle Walker cùng Bukayo Saka được đặt vào những vai trò sở trường. Chính 2 cầu thủ này cùng với khả năng xâm nhập vòng cấm nhà nghề của Jude Bellingham đã mang về bàn thắng đầu tiên cho Tam sư. 

Những nhóm phối hợp tạo nên giá trị tấn công của ĐT Anh

Trong khi đó, Pháp vẫn là một đội bóng có sức sát thương hàng đầu ở những giải đấu lớn. Ở đó, nhóm chơi biên hành lang trái của họ gồm Theo Hernandez, Kylian Mbappe với sự hỗ trợ của Adrien Rabiot và Antoine Griezmann tỏ ra cực kỳ khó đoán trong các quyết định với bóng của mình. Thậm chí, họ ghi bàn trong một pha bóng mà Mbappe xuất hiện ở hành lang cánh phải. 

ĐT Pháp tốc độ và khó đoán, đặc biệt ở hành lang cánh trái

Những thái cực rất rõ rệt đã xuất hiện ở những trận đấu đầu tiên của các ứng cử viên cho danh hiệu vô địch. Ở một góc độ so sánh nhất định, có thể xem cuộc canh tranh này giống như cách Manchester City đầy lớp lang và toan tính đối đầu với một Real Madrid khó đoán trong cách bố trí đội hình và các quyết định xử lý cá nhân. Đừng coi thường phong cách nào, vì Đức, Italy hay Tây Ban Nha có sức mạnh rất khác so với Anh hay Pháp. 

Đó là điều tạo nên sự hấp dẫn tại EURO 2024, nơi những xu hướng chiến thuật của bóng đá thế giới đang được hội tụ trên đất Đức mùa hè này.

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất