Từ CLB lên đến đội tuyển, sự toàn cầu hóa đang diễn ra từng ngày. Thống kê chỉ ra cứ 3 cầu thủ dự EURO tại Pháp, lại có 1 cầu thủ đủ điều kiện khoác áo đội tuyển quốc gia khác. Vấn đề đa sắc tộc đâu chỉ là câu chuyện riêng của bóng đá Pháp. Trong 24 đội dự giải, chỉ duy nhất một mình Romania là có đội hình gồm 100% cầu thủ nội địa.
Nước Pháp có 15/23 cầu thủ như nhập cư. Con số này của Bỉ là 13, của Anh và Bồ Đào Nha là 12, của Đức là 10, của Italia là 5 và của Nga là 4. Đấy là những con số khủng khiếp. Mới năm nào Mauro Camoranesi lạc lõng không hát quốc ca Italia, vậy mà bây giờ HLV Antonio Conte đã xới tung cả nước Ý để có những cầu thủ tốt nhất dự EURO.
Nhưng rồi thật may là vẫn còn đó Manuel Neuer để nhắc nhở chúng ta về bản sắc của người Đức, thứ bản sắc từng khiến thế giới ngưỡng mộ. Câu đúc kết năm nào của Gary Lineker sở dĩ sống mãi vì nó được thốt ra từ miệng một người Anh. Khi được đối thủ căm ghét mình tán dương, tất nhiên bạn phải có gì đó hơn người.
Trở lại với Neuer và màn trình diễn tuyệt vời của anh trước Ukraine. Neuer vừa cản phá xuất sắc trong khung thành, vừa có những pha băng ra cực xa khỏi vòng cấm để đá như một hậu vệ cuối cùng. Có Neuer trong đội hình, Loew có hai cầu thủ: một thủ môn giỏi nhất và một hậu vệ thòng hàng đầu thế giới.
Andres Koepke, thủ môn của ĐT Đức vô địch World Cup 1990 và EURO 1996 từng nói: “Neuer là hậu vệ thòng hay nhất nước Đức từ sau Franz Beckenbauer”. Bạn nên nhớ: Andres Koepke là đồng đội của Lothar Matthaeus ở World Cup 1990 và của Matthias Sammer ở EURO 1996.
Đức 2-0 Ukraine (Bảng C EURO 2016) |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... vui lòng đợi trong giây lát |
Vậy tại sao Neuer lại có những pha lao ra khỏi vòng cấm chuẩn xác thế? Kỹ thuật thì khỏi bàn, cái đó anh tập được. Nhưng có một thứ không bao giờ tập được, mà đấy lại là đặc sản của người Đức. Họ gọi nó là “Nervenstaerke”, tạm dịch là sức mạnh tâm lý. Tức là trong một hoàn cảnh căng thẳng tột bực, anh vẫn thản nhiên như đang ở nhà. Khi Neuer bước ra khỏi vòng cấm, lý lẽ thông thường là anh đang mạo hiểm. Vì chỉ cần cú xoạc bóng của anh hỏng, hoặc là đối phương sẽ đối diện khung thành trống, hoặc là anh phạm lỗi và nhận thẻ đỏ. Nhưng “Nervenstaerke” giúp anh chuyển áp lực sang người cầm bóng.
Vì Neuer rất thích lao ra, nên khi đối phương cầm bóng, họ có tâm lý phải nhìn xem Neuer... đang ở đâu. Mà trong một trận đấu căng thẳng, chậm một nhịp, lơ đãng một giây là đã hỏng rồi. Neuer lao ra, thay vì đợi tiền đạo xuống đối mặt với mình chính là tăng xác suất cản phá thành công. Miroslav Klose từng nói: “Một tiền đạo có thể lừa qua hậu vệ cuối cùng dễ dàng, nhưng khi hậu vệ cuối cùng ấy là thủ môn thì tâm lý rất khác”.
Neuer lao ra chính là lấy cái tâm lý vững như bàn thạch của mình đánh vào tâm lý của đối phương. Đấy là một toan tính đầy khoa học chứ không hề mạo hiểm như mọi người nghĩ. Khi đối phương phản công, thủ môn mà đứng yên chờ tiền đạo xuống... mới là mạo hiểm.
Và những pha băng ra có chủ đích, cộng với sự điềm tĩnh đến đáng sợ của Neuer một lần nữa cho chúng ta thấy bản sắc của một đội bóng, một quốc gia vẫn còn đó, chứ không đến nỗi mai một hoàn toàn khi làn sóng toàn cầu hóa quét qua. “Nervenstaerke” mãi là đặc sản của người Đức nói chung và Neuer nói riêng.