Tiqui-taca là lối chơi ra đời từ thời Pep Guardiola dẫn dắt Barca, khi ông nâng tầm nó thành thứ bóng đá tấn công đáng sợ. Cốt lõi trong cách chơi này là giữ bóng càng nhiều càng tốt, dùng bóng ngắn và dựa trên sức mạnh tập thể để gây sức ép liên tục lên đối phương rồi bất ngờ tung ra đòn kết liễu ở cự ly gần.
Tại ĐT Tây Ban Nha cũng có rất nhiều cầu thủ của Barca. Chính điều này đã tạo điều kiện cho HLV Vicente Del Bosque áp dụng luôn lối chơi tiqui-taca cho La Roja và biến đội bóng này trở thành một thế lực của bóng đá thế giới với chức vô địch EURO 2010 và World Cup 2012.
Trong lịch sử bóng đá thế giới, hiếm có ĐT nào có được giai đoạn cực thịnh và thành công như Tây Ban Nha. Thế nhưng, sau những năm tháng ngập tràn ánh hào quang, triết lý bóng đá "made in Tây Ban Nha" dần bị bắt bài và rơi vào giai đoạn thoái trào.
Đó là điều rất dễ hiểu, bởi trong những năm gần đây gần như tất cả các đối thủ của Barca cũng như ĐT Tây Ban Nha đều mày mò tìm cách khắc chế lối chơi đầy biến ảo này và thu được thành công. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nhất vẫn nằm ở con người, khi những nghệ sỹ từng nâng tầm tiqui-taca đã bước vào tuổi xế chiều.
Tiqui-taca đã bị thoái trào theo những bước chạy của Xavi và Iniesta
Nhạc trưởng Xavi, linh hồn trong lối chơi tiqui-taca đã giã từ sự nghiệp quốc tế. Andres Iniesta lúc này đã bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp và thường xuyên dính chấn thương. Ở trận đấu đêm qua, "lá phổi" Sergio Busquets cũng vắng mặt và gần đây cũng không đạt được phong độ cao nhất. Nên nhớ, đây chính là 3 nhân tố quan trọng nhất giúp lối chơi tiqui-taca vận hành trơn tru. Việc những mắt xích này không còn được lắp ráp với nhau đã khiến tiqui-taca trở nên lạc nhịp.
HLV Del Bosque đã thử nghiệm một số cái tên trẻ hơn như Koke, Isco, Sergi Roberto, Alvaro Morata, Paco Alcacer. Có thể thấy, "Ngài râu kẽm" đã chấp nhận thay đổi bằng việc trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ. Thế nhưng, lối chơi tiqui-taca vẫn đang được ông sử dụng mà chưa có quá nhiều cách tân, một phần bởi những cầu thủ trẻ này chưa "cảm" được sâu sắc phong cách này.
Hai trận đấu gần đây với Italia và Romania, HLV Del Bosque sử dụng 2 đội hình hoàn toàn khác nhau (chỉ Gerard Pique được giữ lại). Như thường lệ, Tây Ban Nha vẫn là đội nắm quyền kiểm soát trận đấu với trên 60% thời lượng cầm bóng. Thế nhưng họ không thể tìm kiếm được chiến thắng, thậm chí may mắn mới có được kết quả hòa.
Tây Ban Nha vẫn sở hữu đội hình với nhiều cầu thủ chất lượng, nhưng việc bế tắc trong cách vận hành lối chơi tiqui-taca khiến họ không giành được kết quả có lợi. Tấn công không có đường nét và cả 2 trận đấu đều có số cú dứt điểm ít hơn đối phương, dù kiểm soát bóng nhiều hơn.
Sergi Roberto (áo đỏ) chưa đủ kinh nghiệm sắm vai nhạc trưởng thay Xavi
Trong phòng ngự, nếu như David De Gea không xuất sắc, có lẽ Tây Ban Nha đã phơi xác tại Italia. Ở trận đấu với Romania, chỉ có may mắn mới giúp Tây Ban Nha tránh khỏi thất bại khi đội chủ nhà tung ra tới 19 cú sút, gấp đôi Tây Ban Nha (9).
Không phải cho tới 2 trận hòa với Italia (1-1) và Romania (0-0), lối chơi của Tây Ban Nha mới bị cảnh báo. Thất bại tại World Cup 2014 trên đất Brazil hay việc chật vật tại vòng loại EURO 2016 đã chỉ ra những bất cập về nhân sự trong cách vận hành lối chơi tiqui-taca. Thế nhưng, sự bảo thủ của Del Bosque đang khiến Tây Ban Nha tiếp tục mất phương hướng.
"Chúng tôi thiếu tất cả mọi thứ. Tôi đã cố gắng thay đổi để giúp đội bóng giành chiến thắng, nhưng nó đã không thay đổi bất cứ điều gì", HLV Del Bosque ngao ngán trả lời phỏng vấn sau trận hòa Romania đêm qua.
Từ nay tới ngày khai hội EURO 2016, Tây Ban Nha sẽ chỉ còn 1 trận giao hữu với Bosnia-Herzegovina (ngày 29/5) để Del Bosque ổn định nhân sự cũng như chiến thuật. Nếu không cách tân mạnh mẽ tiqui-taca, mục tiêu bảo vệ chức vô địch sẽ là điều rất xa xỉ với La Roja.
VIDEO: Romania 0-0 Tây Ban Nha |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |