Trong bài phỏng vấn mới nhất cho tờ Telegraph, Vardy nói nửa đùa nửa thật là anh luôn làm mọi thứ để có thể tiến bộ, bao gồm cả việc ăn hiếp các con của mình khi chơi bóng trong vườn. “Tôi sẽ nói trước mình sẽ sút về hướng nào, nhưng tôi cố sút hết lực để chúng không thể đỡ được,” Vardy nói.
Đội tuyển Anh đang ở vào một giai đoạn tạm gọi là thức tỉnh. Sau khi thế hệ cũ của những Rio Ferdinand, Steven Gerrard và Frank Lampard đã giã từ đội tuyển, đã đến lúc người Anh thừa nhận là đội tuyển của họ không hề mạnh. So với những Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh chỉ là... Leicester City khi so với Man City, Chelsea hay Arsenal mà thôi.
Và để có thể thành công, họ cần một tinh thần quyết tâm, một khát vọng vượt lên chính mình như của Vardy vậy. “Cách đây 3 năm, tôi chả bao giờ dám tin là mình có thể đạt được những thành tựu như hiện tại, dù là trong vòng... một triệu năm nữa,” Vardy nói. “Nhưng tôi đã may mắn leo từng bước lên chiếc kim tự tháp của bóng đá Anh”.
Vâng. May mắn là điều cần thiết để một người vốn không có nền tảng vượt trội vươn lên đỉnh cao. Nhưng may mắn cũng chỉ đến với những kẻ nỗ lực hết mình. Hiện nay, Vardy đang thi đấu với một chiếc kẹp bảo vệ tay vì bị gãy cổ tay trong trận đấu với Aston Villa hồi tháng trước. Trận ấy, dù rất đau, anh vẫn trụ lại sân và ghi bàn.
Vardy luôn khát khao chơi bóng
Vardy, cùng với Rickie Lambert và Chris Smalling, là những ví dụ của những cầu thủ có xuất phát điểm không tốt, nhưng đã đi lên nhờ nỗ lực bản thân. Tuyển Anh nên dựa trên nguồn cảm hứng của những con người như vậy, sau một thời gian quá dài “ảo tưởng sức mạnh”.
Không như Wayne Rooney, Theo Walcott hay Daniel Sturridge trưởng thành từ những lò đào tạo danh giá của Everton, Arsenal và Manchester City, Vardy bị Sheffield Wednesday thanh lý khi mới 15 tuổi vì chê anh quá nhỏ bé. Kế sinh nhai của Vardy là làm kỹ thuật viên cho một công ty sản xuất những bộ phận nhân tạo trên cơ thể người. Nhưng anh không bỏ niềm đam mê của mình. Anh vẫn tham gia thi đấu ở các hạng phong trào và tập hai buổi một tuần. Đến năm 2010, anh vẫn còn đá bóng theo kiểu nghiệp dư như thế.
Nhưng bây giờ, Vardy chuẩn bị là người lĩnh xướng hàng công trong trận đấu với Lithuania, nơi “Tam sư” sẽ cố duy trì thành tích bất bại từ đầu vòng loại đến giờ. Con đường vươn lên của Vardy không chỉ có nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân mà còn là nỗ lực đứng dậy sau những cú va vấp. Cũng như rất nhiều cầu thủ Anh khác, Vardy cũng dính vào những scandal, từ chuyện cùng đồng đội gọi gái gọi lên phòng đến scandal phân biệt chủng tộc trong casino.
VIDEO: Anh 2-0 Estonia (Bảng E - Vòng loại Euro 2016)
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Cả 2 lần ấy, Vardy đều bày tỏ sự hối lỗi và chấp nhận hình phạt của CLB. Ở lần thứ 2, anh xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt kia và hứa sẽ quyên tiền cho một quỹ từ thiện mà người này chỉ định. HLV Roy Hodson đã tha thứ cho Vardy ở cả 2 lần ấy bởi ông biết một điều: bóng đá luôn là cuộc đời của anh.
Rõ ràng ở Vardy là một câu chuyện đầy cảm hứng, nhưng cũng rất đời. Đấy nên là cảm hứng cho Tam sư của hiện tại, một đội tuyển biết mình biết ta và phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để san lấp những giới hạn của bản thân!