8 đội còn lại bước vào tứ kết và cuộc đua coi như... bắt đầu. Nói cách khác: toàn bộ vòng bảng vừa qua chỉ giúp người xem thấy được một vài đặc điểm, của cả các ứng cử viên vô địch lẫn các anh hào hạng hai. Các đặc điểm ấy liên quan thế nào đến các trận knock-out, đấy lại là điều không dễ kết luận.
Nhắc đến Argentina là phải nhắc đến Lionel Messi - ngôi sao hầu như không làm được trò trống gì suốt 3 trận vòng bảng, trong các bài bản chiến thuật vốn thay đổi xoành xoạch của HLV Lionel Scaloni. Còn Venezuela? Họ vẫn chưa thua trận nào, thậm chí không hề thủng lưới trước đối thủ trên nguyên tắc là dữ dội nhất - chủ nhà Brazil. Như thế, kể cũng đã là ấn tượng, đối với đội bóng kém nhất Nam Mỹ về truyền thống.
Nhớ lại các trận vòng bảng, để hình dung những điều có thể diễn ra ở tứ kết? Dĩ nhiên là phải như vậy. Chỉ có điều, sẽ là sai lầm lớn nếu cho rằng Venezuela sẽ lại giữ nguyên mành lưới như họ từng làm được trước Brazil, hoặc Argentina sẽ không biết cách ghi bàn như ở 2 trong 3 trận vòng bảng (nếu không tính bàn thắng từ chấm phạt đền).
Ngày xưa, Colombia khiến cả thế giới đi từ cảm giác ngỡ ngàng đến sự hào hứng, sốt ruột chờ xem trước thềm World Cup 1994. Họ “tàn sát” Argentina 5-0, ngay trên sân đối phương, ở vòng loại. Rút cuộc, từ Faustino Asprilla đến Carlos Valderrama đều mờ nhạt hoàn toàn so với sự chờ đợi.
“Ngựa ô” đình đám nhất ở kỳ World Cup ấy bị loại ngay sau vòng bảng. Đấy là còn chưa kể số phận bi đát của Andres Escobar sau khi về nước. Chúng ta đang nói đến một ví dụ, về khác biệt giữa vòng loại và VCK một giải đấu. Với Copa America thì quá rõ ràng: giai đoạn knock-out chính là “VCK”, trong khi toàn bộ vòng bảng thật ra chẳng khác gì vòng loại.
Chẳng phải vòng loại không liên quan gì. Vấn đề chỉ là nó liên quan như thế nào? Messi và bạn thân Sergio Aguero hầu như không thể phối hợp với nhau. Vậy, nên kết luận về một hàng công thất bại nếu cả hai ngôi sao ấy đều có mặt trong đội hình Argentina? Hay ngược lại, nên dự đoán họ sẽ thành công nếu biết cách phát huy giá trị cá nhân nhiều hơn nỗ lực phối hợp?
Có thể tiếp tục chờ đợi về một “ấn tượng Venezuela”, trên cơ sở ít ra đội này cũng có Salomon Rondon, và có thủ quân Tomas Rincon rất biết cách phối hợp với Rondon phía trên? Hay nên dự đoán Venezuela sẽ phải dừng bước vì chỉ có thế?
Không ai nói muốn thành công thì phải thất bại ở vòng bảng. Vấn đề là, khi một đội mạnh (như Argentina) thất bại trong các trận đấu gần như vô nghĩa ở vòng bảng, đấy lại chính là chi tiết quan trọng để họ chỉnh sửa cách chơi và không thất bại lần nữa. Cần lưu ý: chẳng còn gì để tranh luận về vấn đề tài năng của Messi, Aguero, cũng như các ngôi sao khác trong đội hình Argentina.
Chẳng qua, họ thành công hay thất bại chủ yếu là do cách chơi - mà cụ thể ở vòng đấu này là cách chơi “đã được điều chỉnh”. Ngược lại, với một đội yếu như Venezuela thì ấn tượng ban đầu đôi khi lại là chi tiết... tai hại. Vài ưu điểm hiếm hoi của đội bóng này đã lộ ra rõ ràng. Trong bóng đá, hóa giải điểm mạnh sở trường của đối phương chẳng bao giờ là việc khó.
Còn một chi tiết quan trọng: Scaloni chẳng quá mặn mà với cương vị HLV trưởng Argentina. Ông thậm chí còn nói có thể chia tay ngay sau khi Copa America 2019 kết thúc. Không có áp lực nào hết. Có khi, vòng tứ kết, trước Venezuela, vẫn chưa phải là lúc Argentina đã bắt đầu!