Có một điểm chung hết sức rõ ràng giữa Argentina, Chile, Colombia: HLV trưởng của họ đều chỉ nhận chức ngay trong năm nay, hoặc sớm hơn cũng chỉ là trong năm ngoái. Paraguay, Bolivia, Ecuador là các đội tương tự. Coi như hơn nửa làng cầu Nam Mỹ là các đội bóng còn chưa thật sự định hình dưới sự dẫn dắt của HLV mới khi bước vào kỳ Copa America này. Tất cả đều thất bại.
Không phải ngẫu nhiên mà đội “chiếu dưới” Peru xuất hiện trở lại (lần đầu tiên sau 44 năm) ở trận chung kết. Peru cùng với Venezuela, Brazil và Uruguay là các đội mà ghế HLV trưởng đã ổn định trên 2 năm. Tất nhiên, Venezuela “chỉ” vào tứ kết. Nhưng với nền bóng đá yếu kém nhất Nam Mỹ này, như thế đã là thành công đáng kể rồi. Venezuela không chỉ là nước Nam Mỹ duy nhất chưa bao giờ được dự World Cup. Đấy còn là nước Nam Mỹ duy nhất mà bóng đá không hề là môn thể thao số 1.
Với Uruguay, đây là trường hợp đơn giản: phải có một đội dừng chân khi Peru và Uruguay trực tiếp loại nhau. Uruguay đưa bóng vào lưới đối phương đến 3 lần, nhưng đều không được công nhận bàn thắng. Peru thì không có lấy một lần sút bóng chính xác về phía cầu môn đối phương. Bóng đá đôi khi cũng phải bất ngờ như vậy. Và đấy là bất ngờ duy nhất... thực sự bất ngờ tại giải đấu này. Cho nên Luis Suarez mới phải bật khóc.
Bóng đá quốc tế - tức loại hình bóng đá giữa các ĐTQG - đã xuống cấp dần về mặt chất lượng từ giữa thập niên 1990, khi “phán quyết Bosman” xuất hiện và làm thay đổi toàn bộ môn thể thao vua. Không còn “quota” giới hạn số lượng cầu thủ nước ngoài nữa, các CLB châu Âu thoải mái mua sắm ngôi sao theo yêu cầu chuyên môn của HLV.
Chất lượng bóng đá tầm CLB tăng vọt đã đành, nhưng các ĐTQG còn phải chịu hậu quả lớn là đa số ngôi sao bây giờ đều đã “biến dạng” vì cách tập hàng ngày và cách chơi theo triết lý - những triết lý rất riêng - của HLV ở CLB. Họ trở nên xa lạ với nhau, có cố ráp nối thì cũng không khớp, trong ĐTQG. Vẫn như mọi khi, các đội tuyển ở châu Âu bất lợi một thì các đội tuyển Nam Mỹ bất lợi đến mười, trong khía cạnh này.
Brazil và Peru lọt vào chung kết Copa America 2019 là minh chứng mới nhất, và rõ nhất, cho tình trạng các đội Nam Mỹ bây giờ hơn thua với nhau ở độ ổn định là chính. Tài năng hoặc đẳng cấp cá nhân từ lâu đã trở thành yếu tố phụ. Người ta cứ phải nói mãi về chuyện Argentina phải dùng Messi như thế nào cũng là vì vậy. Vì với độituyển Argentina bây giờ, lối chơi toàn đội và mức độ ăn ý quan trọng gấp trăm lần tài năng cá nhân của Messi.
Cũng vì vậy, Brazil bỗng khá hơn hẳn khi không có Neymar. Chẳng ai nói Brazil muốn hay thì phải bỏ phứt Neymar. Nhưng, rất rõ ràng: có hay không có Neymar cũng chẳng quan trọng. Toàn đội, hoặc ít ra là hàng công, phải chơi thế nào - đấy mới luôn là điều quan trọng nhất khiến HLV Tite phải nghĩ ngợi. Có lẽ, Tite vẫn đang ngẫm nghĩ ngay trong lúc này: làm sao để đội bóng tài năng gấp trăm lần đối phương mà ông đang nắm có một cách chơi ưu việt trong khía cạnh đồng đội ở trận chung kết.
Tite mà không giải được bài toán hóc búa, có khi phải đặt ra một vấn đề không tưởng: bóng đá Nam Mỹ ở tầm ĐTQG liệu đã... lâm nguy?