Nhưng họ không bao giờ tưởng tượng ra rằng, đấy chỉ là nốt nhạc mở đầu cho bài hùng ca thống trị kéo dài đến năm 2018 - tức là tròn một thập kỷ của đất nước xứ bò tót. Nơi đó, sẽ không cần phải run rẩy nữa, mà là cái xoa tay vì coi đấy là điều đương nhiên. Cũng chẳng cần phải xúc động, khi tham vọng phá những kỷ lục tưởng như không thể phá nổi đang là mục tiêu chính của người Tây Ban Nha bây giờ. Không chỉ đi từ đội tuyển quốc gia với ba chức vô địch liên tiếp là EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012, đủ khiến cho các nền bóng đá lớn khác phải choáng váng. Mà bóng đá Tây Ban Nha còn rẽ nhánh qua cấp CLB.
Đầu tiên là Barcelona, chỉ 1 năm sau khi ĐTQG vô địch EURO 2008. Barca tạo nên “cú ăn 3” vào mùa giải 2008/09. Với việc được cố HLV Luis Aragones đưa tiqui-taca ra hình hài, Pep đã phát triển tiqui-taca lên tầm tối thượng. Họ vô địch Champions League 2010/11 khiến Sir Alex (chứ không còn là tờ Marca nữa) phải run rẩy. Rồi đến mùa giải 2014/15, họ làm thêm “cú ăn 3” thứ hai. Barca vừa qua, thì Real lại đến. Sau khi được Carlo Ancelotti giải phóng khỏi sự ám ảnh của giấc mơ mang tên “La Decima”. Real Madrid như một con quái vật rời khỏi cơn ngủ đông 12 năm.
Họ khao khát, điên cuồng, và ngấu nghiến tất cả các danh hiệu. Và như để bù đắp khỏi những cơn đói của 6 mùa giải liên tiếp bị loại ở vòng 1/8 Champions League, Real Madrid đã vô địch Champions League 3 mùa liên tục. Bây giờ, câu nói: “Chúng ta là CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20, và tôi không nghi ngờ chút nào về việc chúng ta cũng sẽ là CLB vĩ đại nhất thế kỷ 21” của chủ tịch Florentino Perez đã trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Xen giữa Barca và Real, là Atletico Madrid, dù chỉ là đội bóng đứng sau Real và Barca, nhưng vẫn có thể hai lần á quân Champions League đầy xui xẻo, và khả năng nghiền nát tất cả nếu … lỡ bước xuống Europa League.
Vì sao Tây Ban Nha có thể thống trị? Thứ nhất là nền tảng tài chính hùng mạnh, và sự hỗ trợ tối đa không chỉ từ các ngân hàng mà còn cả chính quyền tại Madrid và Catalunya. Thứ hai là do mối thâm thù của Real và Barca, vì không ai chịu dưới ai, cho nên mới tạo nên cuộc “chạy đua vũ trang”. Cách hai đội bóng này thi nhau hút nhân tài vì ghét nhau, lại càng khiến họ càng lúc càng mạnh, và bỏ xa các đối thủ còn lại. Thứ ba là Real và Barca đã vô tình sở hữu được hai cầu thủ như Messi và Ronaldo.
Bạn hãy tưởng tượng đó giống như chuyện Pele và Maradona bỗng chốc sinh cùng thời và mỗi người về một đội vậy. Cảm giác lúc đó chỉ có thể nói là tuyệt vời. Thứ tư là vấn đề chiến thuật, La Liga đều đang đi trước, từ Pep ngày trước với tiqui-taca, đến Simeone sau này với nghệ thuật phòng thủ, và Zidane bây giờ với chiến thuật … chẳng ai biết là chiến thuật gì. Thứ năm là những đối thủ ở Anh, Italia và Đức thì tự diệt theo những cách khác nhau. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa đều có đủ, đừng hỏi vì sao Tây Ban Nha thống trị!