Anh đã thực hiện 33 “đường chuyền quyết định” trong 11 vòng đấu mùa này tại Serie A (đường chuyền quyết định tức đường chuyền cuối cùng trước khi đồng đội tung cú dứt điểm). Trong đó, có đến 13 lần Insigne tạo được “cơ hội rõ ràng” - cao nhất trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Nhưng cuối cùng, Insigne chỉ mới góp được 4 đường chuyền thành bàn - đứng dưới ít nhất 4 cầu thủ khác tại Serie A.
Ở Ngoại hạng Anh, tiền vệ Kevin De Bruyne của Manchester City đã có 6 đường chuyền thành bàn, chỉ sau 10 vòng đầu. Tại Champions League, De Bruyne đang có 2 đường chuyền thành bàn trong khi Insigne chưa có pha kiến tạo thành công nào. Hóa ra, De Bruyne hiệu quả hơn, hoặc đây là trường hợp mà những con số lạnh lùng đang... đánh lừa giới phân tích?
Thật ra, cũng chẳng có kết luận nào thật sự thuyết phục - và đấy chính là bóng đá. Trong loạt trận trước ở Champions League, có một bàn thắng tuyệt luân sẽ giúp chúng ta hình dung thêm đôi điều về số liệu thống kê chuyên môn. Từ vòng tròn giữa sân, hậu vệ Federico Fazio của AS Roma tung đường chuyền dài và bổng, đưa bóng vượt qua mọi cầu thủ Chelsea, hướng đến Edin Dzeko ở ngay rìa vạch 5m50.
Nếu Dzeko không dùng hết sức rướn, quả bóng sẽ đi hết sân. Nếu Dzeko khống chế thành công thì anh có bóng, nhưng đấy không thể là một cơ hội. Điều cuối cùng người ta có thể hình dung: Dzeko cố gắng tung luôn một cú volley, trong hoàn cảnh rất khó, cũng có thể vì nếu không sút thì anh cũng... chẳng biết làm gì.
Tuyệt vời thay, đấy là cú sút thành bàn - cũng chẳng khác gì bàn thắng huyền thoại của Marco Van Basten trong trận chung kết Euro 1988. Fazio kiến tạo cơ hội cho Dzeko? Phải nói ngược lại: chính Dzeko tặng Fazio một “đường chuyền thành bàn”. Ở thái cực ngược lại, giới hâm mộ Insigne đang tự an ủi: anh không có nhiều pha kiến tạo thành công vì đồng đội của anh ghi bàn không quá xuất sắc!
Tóm lại, trong rất nhiều trường hợp, sự thành/bại trong bóng đá là do hoàn cảnh quyết định. Chuyện về Insigne xem ra lại rất giống với chuyện về đội Napoli của anh ở Champions League mùa này. Chưa thua trận nào, chỉ mới mất điểm đúng 1 lần tại Serie A, Napoli của HLV Maurizio Sarri xứng đáng được xem là một trong những đội bóng mạnh nhất châu Âu hiện nay.
Ở 5 giải lớn, chỉ có Barcelona và Man City là có thành tích tương tự. Còn ở Champions League, không có bao nhiêu khác biệt giữa Napoli và Shakhtar Donetsk. Họ đều thắng Feyenoord và thua Man City. Shakhtar thắng Napoli ở trận lượt đi trên sân nhà, nhưng nếu Napoli cũng thắng trận lượt về tại sân nhà thì đôi bên coi như ngang nhau.
Đấy là lý thuyết. Còn trên thực tế, Napoli lại đang nằm trong tình thế... hiểm nghèo. Chỉ cần hòa, Man City sẽ vượt qua vòng bảng. Mà nếu đội bóng của Pep Guardiola chủ trương đá để không thua, xác suất chiến thắng cho Napoli dĩ nhiên là sẽ giảm hẳn. Tiếp theo? Man City có thể hoàn toàn không còn là chính họ nữa, khi phải lặn lội sang tận Donetsk làm khách, trong tháng 12 lạnh giá ở Ukraine.
Trước một đối thủ đã có vé đi tiếp, chẳng phải bàn nhiều để thấy cơ hội chiến thắng cho chủ nhà Shakhtar trong trận ấy sẽ cao hơn rất nhiều so với lý thuyết. Thế thì, dù Napoli thắng lại Shakhtar trong trận lượt về, cũng có thể là vô ích. Phải dốc sức... quật đổ Man City trong loạt đấu này, Napoli mới thoát khỏi nghịch cảnh.