THẢM KỊCH 1958
Phi trường Munich, ngày 6/2/1958, chiếc máy bay chở M.U dừng tiếp nhiên liệu sau khi trở về từ chuyến thi đấu ở Nam Tư gặp Red Star Belgrade. Thảm kịch xảy ra ở lần cất cánh thứ 3, tổng cộng 23 người chết và 21 người sống sót, trong đó có 7 cầu thủ (người thứ 8 là Duncan Edwards chết ở bệnh viện sau đó 15 ngày) và 3 thành viên ban huấn luyện M.U. Trong số những người may mắn thoát chết có Matt Busby và Bobby Charlton.
Munich 1958 là một trong những thảm họa đau buồn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, cướp mất của M.U và bóng đá Anh cầu thủ “có lẽ là hay nhất trong lịch sử bóng đá Anh: Duncan Edwards” (lời bình của Brian Glanville, một trong những nhà báo bóng đá tiêu biểu nhất trong lịch sử nước Anh). Cũng may còn có Busby, một trong hai tên tuổi HLV lớn nhất trong lịch sử M.U (người còn lại là Alex Ferguson , từng thừa nhận là học tập và lấy cảm hứng từ Busby). Cũng còn đó Charlton, người sau đó trở thành huyền thoại số 1 trong lịch sử Quỷ đỏ. Cặp Charlton - Busby là nguồn cảm hứng giúp M.U vô địch châu Âu chỉ 10 năm sau thảm họa Munich.
“Mỗi lần đến Munich, tôi đã cố song không thể nào quên những gì đã xảy ra năm 1958”, Charlton nói. Sau khi từ giã bóng đá, Charlton trở thành đại sứ và là một trong những nhân vật được kính trọng nhất ở M.U. Munich từng là khởi đầu cho một chương đen tối trong lịch sử đội áo đỏ thành Manchester khi nó tước mất của Busby một đội ngũ cực kỳ tài năng được biết đến với tên gọi “Busby Babes”. Nhưng mùa 1998/99, một sự kiện khác liên quan đến Munich đã đánh dấu thời khắc huy hoàng nhất trong lịch sử Man United. Tròn một vòng quay số mệnh cho một cái kết có hậu mỹ mãn!
TRẬN CHUNG KẾT KỲ LẠ
M.U chạm trán Bayern Munich ở trận chung kết Champions League 1998/99 trên sân Nou Camp. Trước đó, hai đội đã gặp nhau ở vòng bảng, kết quả cả hai trận đều hòa có bàn thắng. Trận thứ 3, cuộc chiến cuối cùng, một trận đấu tưởng như không có gì đáng nói vì thế trận một chiều khi đội bóng Đức sớm mở tỷ số nhờ pha sút phạt thông minh của Mario Basler, sau đó Bayern còn 2 lần dứt điểm trúng khung thành Peter Schmeichel. M.U gần như không lối thoát, Alex Ferguson sau đó thừa nhận tung Teddy Sheringham và Oler Gunnar Solskjaer vào sân trong hiệp 2 theo quán tính chứ không có ý đồ chuyên môn rõ rệt vì M.U bế tắc hoàn bế tắc.
90 phút chính thức trôi qua, các CĐV Bayern đã bắt đầu chuẩn bị mừng chiến thắng thì thảm kịch xảy ra. Phút bù giờ thứ 1, Sheringham cân bằng tỷ số 1-1 cho M.U. Phút bù giờ thứ hai, Solskjaer ghi bàn thứ 2. Quỷ đỏ của Ferguson với “thế hệ 92” huyền thoại đã vô địch châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 1968 của cặp Busby - Charlton. Sau trận đấu, Ferguson nói: “Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi”. M.U hoàn tất cú ăn ba kỳ diệu, Ferguson được phong Sir (Hiệp sĩ). Còn người Đức? Gương mặt Lothar Matthaeus thẫn thờ. Stefan Effenberg chết đứng. Samuel Kuffour như đứa trẻ đã ngậm kẹo vào miệng bị mẹ bắt nhả ra, trung vệ người Ghana khụy gối, tay đấm thình thịch xuống mặt cỏ. Hình ảnh ấy đã trở thành khoảnh khắc huyền thoại của Champions League, được dùng cho… trailer của UEFA giới thiệu về giải cúp danh giá nhất, chất lượng cao nhất, hấp dẫn nhất hành tinh ở cấp CLB.
NHÀ VÔ ĐỊCH TỪ ĐÂY!
Bayern không cần đợi lâu, chỉ 2 năm sau “thảm họa Nou Camp”, đội bóng Đức đánh bại M.U ở tứ kết trên đường vô địch Champions League 2001. Một cuộc so tài đáng nhớ khác là tứ kết năm 2010, Bayern “ngược dòng” ngoạn mục cả 2 trận lượt đi và về (lượt đi thắng ngược 2-1, lượt về bị dẫn 0-3 rồi ghi 2 bàn để thua chung cuộc 2-3, lọt vào bán kết nhờ luật bàn thắng sân đối phương) để cuối cùng vào đến trận chung kết.
So tài Bayern - M.U, từ truyền thống, lịch sử đến hiện tại, hễ hai đội đụng độ, đội nào thắng sẽ có cơ hội rất lớn trở thành nhà vô địch (hoặc ít ra là vào đến trận chung kết) Champions League. Còn gì đáng chờ đợi hơn ở một cuộc chiến như thế?
Effenberg dọa giết Collina
Cựu trọng tài Pierluigi Collina là người cầm còi trận chung kết Champions League 1999 giữa M.U và Bayern Munich. Sau trận đấu, Collina nửa đùa nửa thật: “Steffan Effenberg đã đòi bóp cổ tôi vì bù thời gian nhiều quá!”. Tờ Kicker của Đức tự an ủi: “Hôm nay, Chúa là người Anh. Người Đức đã thắng người Anh quá nhiều trong bóng đá, hôm nay là luật bù trừ dù M.U không xứng đáng giành cúp!”.
Sir Busby thoát chết kỳ diệu
Thảm họa Munich 1958, HLV Busby tưởng như đã chết trong bệnh viện, vì có không dưới 2 lần cha xứ được mời đến để đọc kinh cầu hồn cho ông. Người thân không dám cho Busby biết nhiều cầu thủ M.U (trong đó có cục cưng Duncan Edwards) đã chết, sợ ông sốc rồi qua đời. Trong khi đó, Charlton và Dennis Viollet đổi chỗ trên máy bay với Tommy Taylor và David Pegg, kết quả Taylor và Pegg chết, Charlton và Viollet bị thương song thoát lưỡi hái tử thần.
Giggs, nhân chứng cuối cùng
Lão tướng Ryan Giggs là cầu thủ cuối cùng còn sót lại từ trận chung kết Champions League kỳ lạ năm 1998/99 giữa M.U và Bayern Munich. Hiện Giggs là cầu thủ kiêm HLV của Quỷ đỏ. HLV của M.U năm 1999 là Alex Ferguson vừa rời M.U năm ngoái sau khi giúp đội vô địch Anh. HLV của Bayern năm 1999 là Ottmar Hitzfeld đã rời đội vào năm 2004, sau đó trở lại trong 1 mùa (2007/08). Dự bị của M.U năm 1999 là Phil Neville hiện giữ vai trò trợ lý cho David Moyes.
“Tôi không cho rằng cơ hội của M.U quá thấp, bởi nếu Wayne Rooney và đồng đội khai thác được những sai lầm phòng ngự của Bayern, mọi chuyện đều có thể xảy ra”,
Jaap Stam (cựu trung vệ M.U)
“Muốn vượt qua Man United, Bayern phải đánh bại thủ môn David De Gea và bắt chết Wayne Rooney. Đây là hai nhân tố quan trọng nhất của Quỷ đỏ”,
Oliver Kahn (cựu thủ thành Bayern)
Paul Scholes: “M.U đủ sức vô địch nếu vượt qua Bayern “
Đó là ý kiến của Paul Scholes. Cựu danh thủ M.U phân tích: “Nếu vượt qua nhà ĐKVĐ Champions League, ai dám nói M.U không thể đăng quang? Cả M.U và Bayern đều có cầu thủ giỏi, nhưng phải thừa nhận Quỷ đỏ không chơi tốt mùa này. Dù thế, Champions League là câu chuyện khác. M.U sẽ trông chờ vào Wayne Rooney. Ryan Giggs cũng có thể rất quan trọng nhờ vào kinh nghiệm và sự khôn ngoan. Phải công nhận Bayern rất mạnh, nhưng không có đội nào không thể bị đánh bại”.