Hãy nhớ lại bàn thắng tuyệt vời của Ronaldinho vào lưới Chelsea ở Champions League năm nào. Barcelona tấn công trung lộ. Ronaldinho có bóng ngay “cung chữ D”. Anh đột ngột... dừng lại, chân đứng yên, chỉ hơi lắc lư thân trên.
Đồng đội và hàng thủ đối phương thì vẫn di chuyển. Thế là khoảng trống mở ra, vừa đủ để Ronaldinho đưa bóng vào khung thành Petr Cech lừng danh. Ronaldinho chủ động đứng yên trong khi tất cả vẫn đang di chuyển, thì đấy cũng là một cách lừa bóng, quá linh động.
Không phải ngược ngạo, mà là... triết lý. Và cuộc sống vẫn luôn đầy ắp những triết lý như vậy. Lặng im là không phát ra âm thanh, nhưng lại có “âm thanh của sự im lặng”. Hoặc như ví dụ ngược lại với cái “tĩnh mà là động” của Ronaldinho, đôi khi người ta phải cố vận động tối đa trong một trạng thái tĩnh.
Thủ môn thường phải liên tục chuyển động trước khi bắt 11m. Đấu thủ quần vợt cứ phải lắc lư khi đang tập trung tinh thần cao độ để đỡ quả giao bóng nhanh như điện từ phía đối phương. Ở một phía cạnh nào đó, đấy là trạng thái tĩnh cao cấp. Tĩnh nhưng không có sức ì!
Dẫn dắt Liverpool qua 3 mùa bóng liên tiếp (dĩ nhiên là không đầy đủ), Juergen Klopp dường như... chẳng thay đổi gì. Về quan điểm, ông luôn xem trọng tốc độ, xem đấy là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công. Về chiến thuật, Liverpool dù chơi 4-2-3-1 hay 4-3-3, vẫn luôn có ít nhất 3 mũi ghi bàn, rải khắp chiều ngang mặt sân.
Liverpool đá theo chiến thuật toàn đội chứ không xây dựng lối chơi xoay quanh trụ cột nào. Về lực lượng, gần như nguyên đội hình chính từng đá trận chung kết Europa League 2016 (trừ mỗi Kolo Toure) vẫn đang khoác áo Liverpool mùa này.
Đấy là một sự ổn định kỳ lạ. Có những lúc, Klopp luôn hoán chuyển cặp hậu vệ cánh, hoặc liên tục thay đổi nhân sự ở vị trí “số 10”. Kỳ thực, đấy cũng chỉ là để hướng đến sự ổn định trong cách chơi tấn công ào ạt trên khắp mặt sân, mà trong đó phong độ của hai hậu vệ cánh và cầu thủ “số 10” luôn quan trọng. Giống như tính chất linh động của trạng thái tĩnh vậy.
Ở một phương diện khác, Klopp từng nói: “Tôi không phải là HLV khi Liverpool bán Luis Suarez. Tôi không phải là HLV khi Liverpool bán Raheem Sterling”. Có thể hiểu: bây giờ ông đã giữ ghế HLV trưởng thì Liverpool sẽ không bán đi ngôi sao nào nữa. Philippe Coutinho là nhân vật chính trong câu chuyện này.
Vấn đề ở đây: khi Liverpool cố gắng giữ ổn định, gần như không thay đổi dưới thời Klopp, thì đấy chỉ là một đặc điểm riêng - chứ chưa chắc là ưu hay khuyết điểm. Rõ ràng, giới hâm mộ Liverpool không thể thấy vui khi đội bóng của họ thay đổi theo kiểu cứ chia tay Suarez, rồi đến Sterling.
Vốn dĩ không thể so đọ với Barcelona, Real Madrid, Man City, Chelsea, M.U hoặc PSG về sức chi tiền chuyển nhượng, nếu Liverpool “không thay đổi” về mặt lực lượng thì đấy ít ra cũng là một sự thành công - theo nghĩa họ sẽ không mất ngôi sao? Trong trường hợp này, không thay đổi nghĩa là đã thay đổi vậy! Mọi chuyện có thể sẽ tốt đẹp hơn khi bạn ổn định lực lượng và giữ nguyên cách chơi, dựa trên lý thuyết rằng cách chơi ấy dĩ nhiên sẽ phải ngày càng nhuần nhuyễn, hoàn thiện? Tất nhiên, đấy cũng chỉ là lý thuyết.
Jose Mourinho thường bác bỏ mỗi khi ai đó nhắc lại biệt danh “Người đặc biệt” của ông. Chẳng phải vì ông đã khiếm tốn hơn, hoặc không còn thành công tương xứng với biệt danh ấy. Ông nói: “Các bạn và tôi đều đã thay đổi so với chính mình cách đây 10 năm rồi, đúng không nào?”. Hãy xem, cái sự “không muốn thay đổi” của Liverpool dưới thời Juergen Klopp rút cuộc sẽ dẫn đến kết cục nào.