1. “Tôi tin rằng một CLB lớn phải có khả năng chiến thắng với một phong cách. Bạn biết đấy, có một ai đó đã nói, cách duy nhất để đối mặt với cuộc đời bạn là biến nó thành nghệ thuật, mỗi phút của cuộc đời bạn. Bóng đá là một nghệ thuật, như khiêu vũ là nghệ thuật, nhưng chỉ khi nào nó được thực hiện tốt, nó mới trở thành nghệ thuật. Tranh của tôi vẽ không phải nghệ thuật. Tranh vợ tôi vẽ lại là nghệ thuật”.
Đó là những lời tâm sự của Arsene Wenger đúng vào ngày 13/3 của 4 năm về trước. Đó là một bài phỏng vấn riêng hiếm hoi của Wenger trong nghiệp cầm quân (ngoài những buổi họp báo về trận đấu), và là lúc ông nói về triết lý sống của mình. Bốn năm về trước, dường như ông vẫn giữ được sự lãng mạn trong lý tưởng.
Người ta hay nhìn nhận chiến lược tự đào tạo của Wenger ở góc độ kinh tế, cho rằng họ không muốn chi tiền, và từ đó coi ông cũng như BLĐ Arsenal là những kẻ hà tiện. Đó chỉ là một phần nguyên nhân. Phần quan trọng hơn, như chính Wenger lý giải, là chỉ có tự đào tạo thì ông mới thổi được văn hóa CLB vào các cầu thủ, để “tình yêu nghệ thuật” thấm vào máu họ từ thuở ban đầu.
Cho dù ông đúng hay sai, thì cũng không ai có thể phủ nhận một điều rõ ràng, rằng đó là một con người có lý tưởng riêng. Lý tưởng của Arsene Wenger được thể hiện rõ ràng đến mức ông chẳng cần phải nói ra.
2. Nhưng sau 4 năm những gì Wenger đang phải đối mặt rất khác. Có thể bà Annie Brosterhous vợ ông vẫn vẽ tranh ở nhà, nhưng ở Arsenal bây giờ người ta không cần nghệ thuật nữa: khi mà cơm ăn áo mặc hàng ngày còn thiếu thốn, thì còn ai có tâm trí để nghĩ đến “phong cách chiến thắng” và “nghệ thuật”?
Mọi thứ đang tàn lụi trước mắt HLV người Pháp. Ông không chỉ yêu mô hình mình đã xây dựng ở Arsenal, yêu CLB này, mà còn yêu nước Anh. Hồi tháng 10 năm ngoái, trước những tin đồn về việc mình có thể chuyển sang dẫn dắt PSG, ông đã trả lời đầy cương quyết: “Tôi sẽ không làm việc ở ngoài nước Anh một lần nào nữa”.
Nước Anh cũng đã từng yêu quý Wenger. Mới chỉ 2 năm trước ông còn là một trong những ứng viên cho cương vị HLV trưởng đội tuyển Anh. Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông. Cùng với cuộc khủng hoảng thành tích ở Arsenal, bây giờ nước Anh quay lưng lại với Wenger.
Chủ tịch FA Greg Dyke mới đây tuyên bố đại ý: Wenger chính là kẻ thù của bóng đá Anh, với lý do là những HLV như ông không bao giờ tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ Anh phát triển. Thật ra chuyện đó ở Arsenal cũ rích, nhưng tại sao đến bây giờ một ông chủ tịch FA mới mắng Wenger thậm tệ? Có lẽ là thời điểm này ai muốn chỉ trích Wenger đều rất dễ. Ngay cả những CĐV trung thành nhất của Arsenal cũng đã nghi ngờ ông.
3. Ở đây, người ta không cần phong cách chiến thắng, không còn tôn trọng ông như những năm về trước. Con đường và lý tưởng của Wenger bây giờ đọc lại, trở thành một thứ cao xa đến nực cười với Arsenal. Họ đang cần điều thiết yếu hơn.
Trước mắt ông, dễ nhận ra sự bất lực. Cứ nhìn trận gặp Bayern: Arsenal đơn giản là không thể đủ sức vượt qua Bayern trong một ngày đối phương không buồn đá bóng. Sự chênh lệch trình độ giữa các cầu thủ là quá lớn và chiến thuật không bù đắp được.
Liệu đã đến lúc Wenger gạt bỏ “lời thề” gắn bó với nước Anh để nghĩ về Paris, nơi mà bà Annie sẽ có thêm nhiều cảm hứng vẽ tranh?