1. Trong suốt 10 năm qua, các CLB của giải đấu chi tiêu nhiều nhất thế giới này mới chỉ mua về 7 trung vệ có giá hơn 15 triệu bảng. Nếu tính các trung vệ có giá hơn 10 triệu bảng (vốn là một cái giá khá “bình dân” ở đẳng cấp Premier League), cũng mới có 22 người. Để so sánh, trong cùng thời gian đó họ mua 26 trung phong có giá hơn 15 triệu bảng/người.
Tất nhiên, các tiền đạo luôn đắt tiền hơn trung vệ, nhưng đó vẫn là một sự chênh lệch quá lớn.
Sự phù phiếm là một trong những nguyên nhân: khi cần danh tiếng, người ta cần những bàn thắng, cần những tên tuổi trực tiếp đưa quả bóng vào lưới và trực tiếp đưa các khán đài đến sự thăng hoa.
Tiền đạo, và đôi lúc là tiền vệ công là những món đồ thời trang cao cấp. Lịch sử giải đấu này đã chứng kiến không biết bao nhiêu món hàng cao cấp chỉ có giá trị... thời trang, như Andy Carroll, Fernando Torres, Andriy Shevchenko, Robbie Keane, Santa Cruz, Djibril Cisse, Juan Veron, Ashley Young... Những người đó tạo ra ánh hào quang lấp lánh khi được mua về nhưng rồi chẳng ai biết dùng họ cho việc gì.
2. Có một thực tế khá thú vị là các nhà lãnh đạo của ngành thời trang lại là những người ra sức đấu tranh chống lại sự phù phiếm.
Ralph Laurent nói rằng “thời trang không đến từ nhãn mác mà từ giá trị bên trong”. Coco Channel thì luôn tin rằng “điều quan trọng nhất vẫn là nghĩ cho bản thân”. Gianni Versace thì khuyên thiên hạ “đừng để thời trang làm chủ bạn”.
Yves Saint Laurent cũng có lúc tự hào không giấu giếm rằng “quần áo không chỉ mang lại cái đẹp mà còn mang lại cho phụ nữ sự tự tin”, nhưng cũng chính ông này lại thú nhận “tôi cảm thấy tổn thương khi chứng kiến những phụ nữ trở thành nạn nhân của thời trang”.
Alexander McQueen chốt lại: “Thời trang là một dạng giải thoát, chứ không phải là một hình thức cầm tù”.
Đọc những dòng ấy, người ta tự hỏi rằng liệu các đại gia Premier League, những Liverpool, Chelsea, Man City và ít nhiều là cả Man United, có phải đang bị cầm tù bởi một thứ thời trang mang tên “cầu thủ tấn công”?
Man City chắc chắn là điển hình tiêu biểu nhất, khi vẫn còn nóng hổi trên mặt báo là cái tên khiến họ bị loại khỏi Champions League: Martin Demichelis, một trung vệ giá rẻ mắc sai lầm như cơm bữa. Họ chưa bao giờ đầu tư đích đáng cho hàng thủ. Cái giá của thứ thời trang mà Man City đang theo đuổi là quá đắt.
3. Premier League đã ít tiền hơn, bị kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn bởi cả UEFA lẫn FA, sự suy thoái đang hiển hiện và bây giờ họ nên bắt đầu chi tiêu hợp lý hơn.
Chelsea sau một thời gian lận đận vì không có tiền vệ phòng ngự ra hồn, cũng đã tỉnh ra và mua Matic , nhưng cuộc tìm kiếm người thay thế John Terry thì vẫn chưa bắt đầu, và người ta lại đang nói về triển vọng họ mua những tiền vệ công đắt tiền nào đó.
Man United từ lâu vẫn cần hậu vệ hơn tiền đạo và việc mua Van Persie rõ ràng là một dạng “to son trát phấn” trước khi lên sàn chứng khoán, cũng còn may là anh chơi rất hay. Nhưng giờ thì họ không thể chần chừ nữa khi Vidic sắp ra đi.
Sau cả một thập kỷ phù phiếm, Premier League đã có đủ sự trọng vọng rồi. Họ cần thay đổi cách tư duy.