Ở mùa bóng 2008/09, Premier League có 942 bàn thắng. Sang mùa kế tiếp, số bàn thắng ở giải này vọt lên con số 1.053. Từ đó đến nay, chưa bao giờ số bàn thắng được ghi ở Premier League giảm xuống dưới mức 1.050.
PHÒNG THỦ KÉM ĐẾN KHÔNG NGỜ
Nhìn lại 10 vòng đầu tiên ở Premier League, giới quan sát hẳn phải kinh ngạc khi thấy rằng đội phòng thủ tốt nhất hóa ra chỉ là một cái tên hết sức khiêm tốn: Southampton, với 5 bàn thua. Còn lại, dù là đội đầu bảng Chelsea đang bỏ xa mọi đối thủ chính hay ĐKVĐ Manchester City, số bàn thua đều cao hơn Southampton ít nhất 2 lần!
Hồi Jose Mourinho mới đến Chelsea, ông lập tức đưa đội này lên ngôi vô địch Premier League với vỏn vẹn 15 bàn thua trong suốt mùa bóng. Bây giờ, chỉ mới qua 1/4 chặng đường, Chelsea đã phải thủng lưới 10 bàn. Và, xin nhắc lại, Chelsea giờ vẫn là đội của Mourinho, và đấy chính là đội bóng số 1 nước Anh ở thời điểm này.
Chỉ cần nhìn vào số liệu cũng đã đủ thấy các đội bóng Anh bây giờ phòng thủ thua hẳn ngày xưa. Nhưng sự xuống cấp về khả năng phòng thủ của bóng đá Anh thì không chỉ được thấy rõ qua các con số. Không cần xem kỹ cũng đủ nhận thấy các pha xử lý vụng về, các sai lầm ấu trĩ, những pha phạm lỗi như cách cuối cùng để ngăn cản pha tấn công xuất hiện nhan nhản trên sân cỏ Anh.
Ngay cả nhóm đội “đại gia” bây giờ cũng chẳng còn ai đảm bảo giữ nguyên mành lưới mỗi khi gặp đối thủ yếu. Các hậu vệ tốt nhất ở Premier League bây giờ đều không xứng đáng bước vào hàng ngũ siêu sao thế giới. Đã vậy, lại có không ít trường hợp tấn công giỏi hơn phòng ngự. Cho nên, cũng chẳng lạ gì tình trạng các đội bóng Anh mỗi khi bước ra Champions League rất hay lộ rõ điểm yếu phòng ngự.
Cựu danh thủ Martin Keown bình luận: “Một thời, bóng đá Anh phòng ngự rất giỏi, đến mức phải xem đấy là nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật ấy đã mai một hẳn”. Gary Neville thì nặng nề hơn: “Nghệ thuật phòng ngự đã chết trên sân cỏ Anh”. Vì sao?
HÃY TRÁCH... BARCELONA
Từ năm 2005 đến năm 2012, có đến 7 lần đại diện Premier League vào tận chung kết Champions League. Dĩ nhiên đấy là thành tích đáng nể. Các đội bóng Anh chiến thắng 3 lần: Chelsea đoạt cúp vào năm 2012 ngay trên sân đối thủ cuối cùng là Bayern Munich; M.U đoạt cúp trong trận “chung kết nội bộ” với Chelsea năm 2008; và Liverpool lội ngược dòng một cách kỳ lạ, thắng AC Milan sau khi bị dẫn đến 0-3! (cả ba lần ấy, các đội bóng Anh đều thắng ở loạt sút luân lưu 11m).
Khi nào cũng vậy, mặt trái của thành công là chính nó “đẻ ra” đòi hỏi cao hơn. Ở cái giai đoạn đáng gọi là thành công nhất của bóng đá Anh trong kỷ nguyên hiện đại ấy, giới hâm mộ và truyền thông Anh bắt đầu kêu gọi lối chơi đẹp mắt.
Cũng ngay trong giai đoạn ấy, xen lẫn với chiến thắng của Liverpool, M.U, Chelsea, là 3 chức vô địch Champions League của riêng Barcelona. Họ thắng M.U trong các trận chung kết 2009, 2011 và thắng Arsenal trong trận chung kết 2006. Barcelona vừa trở thành cái gái, vừa là đối tượng để báo chí Anh so sánh với các đại diện của họ. Không phải nhắc thêm: đi liền với Barcelona là lối chơi Tiqui-Taca mà cả thế giới ngưỡng mộ.
Phải chơi thiên về tấn công, phải chinh phục cả đối phương lẫn khán giả nhà bằng lối đá đẹp, phải rũ bỏ hình ảnh tẻ nhạt trong cái mác “nghệ thuật phòng thủ”. Từ lúc nào không biết, Barcelona đã gây ảnh hưởng nặng nề khiến cả quê hương bóng đá phải thay đổi cả một triết lý bóng đá.
TẤT CẢ HƯỚNG ĐẾN TẤN CÔNG
Từ sân tập cho tới thị trường chuyển nhượng, khái niệm “bóng đá tấn công” bỗng nhiên trở thành một nỗi ám ảnh. Các đội bóng lớn thi nhau tô vẽ hình ảnh cho mình bằng nhãn hiệu tấn công. Didier Drogba, Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, Robin van Persie, Gareth Bale, Luis Suarez... trở thành biểu tượng trên sân cỏ Anh. Ngược lại, các hậu vệ giỏi dường như bị đẩy vào hậu trường kể cả khi họ vẫn còn đang tồn tại sờ sờ ra đấy.
M.U giờ đã chia tay Rio Ferdinand và Nemanja Vidic. Chelsea bán luôn David Luiz sang PSG với giá chuyển nhượng 50 triệu bảng. Cứ thế, các hàng phòng ngự lần lượt xuống cấp trên sân cỏ Anh.
Dù đã chia tay ĐTQG, và chắc chắn không thể so sánh với thời kỳ đỉnh cao nữa, John Terry vẫn là thủ lĩnh của hàng phòng ngự Chelsea. Arsenal vẫn phải trông cậy “ông lão” Per Mertesacker - hậu vệ Đức vốn chẳng bao giờ được xem trọng ngay tại quê hương mình. Liverpool hoặc M.U giờ cũng chẳng còn hậu vệ xuất sắc nào nữa.
Thậm chí, lối chơi thiên về tấn công đã bao trùm lên cả các nhà chuyên môn khả kính, từng được xem là đặc thù của bóng đá Anh. Sam Allardyce vốn là tín đồ trung thành của triết lý “chạy-và-sút”, nổi tiếng với khả năng đem lại thành công cho các đội bóng trung bình - yếu bằng cách chơi đơn giản, giờ cũng chăm chăm hướng đến bóng đá tấn công. Ông còn muốn đội West Ham của mình đá đẹp, và ông quả đang làm được điều đó, thế mới kỳ dị!
Các đội tập gì trên sân?
Gary Neville (ảnh) tiết lộ: họ hầu như chẳng màng đến các bài tập tấn công. Vào thời của mình, đầu và bộ chân của Gary Neville phải luôn vận hành đồng bộ, theo từng tình huống cụ thể của pha phòng ngự. Xin nhắc lại: ngay cả các bộ phận cơ thể cũng đã phối hợp với nhau theo một “nghệ thuật”, chứ khoan nói đến cự ly đội hình hoặc vị trí giữa các cầu thủ trong hàng phòng ngự.
Neville diễn đạt thật kỹ cách quay đầu đồng bộ của 4 hậu vệ cùng lúc, động tác xoay người của cả hàng thủ sao cho họ không mất nhiều thời gian, luôn tập trung toàn bộ tinh thần vào bóng, và luôn giữ vững cự ly đội hình khi toàn đội bất ngờ mất bóng.
Muốn đạt đến đẳng cấp “nghệ thuật” như vậy, không có con đường nào khác hơn là sự khổ luyện. Anh cũng kể rõ thái độ nặng nề, nghiêm khắc của các HLV chuyên trách phòng ngự ra sao mỗi khi có hậu vệ thực hiện động tác hoặc di chuyển không đúng cách trên sân tập. Anh kể rõ tâm trạng xấu hổ, chỉ muốn chui xuống mặt đất mỗi khi các hậu vệ trong thế hệ của mình bị HLV rầy rà.
Bây giờ, Neville đến các sân tập và anh thấy rõ đội nào cũng chỉ chăm bẵm bài bản tấn công. Neville khẳng định: “Các bài tập kỹ thuật hoặc các bài tập liên quan đến pha tấn công bây giờ chiếm đến 80%. Người ta chỉ còn chừa cho bài bản phòng ngự khoảng 20%. Bây giờ, người ta cũng chỉ ưu tiên chọn các cầu thủ khéo léo, giỏi chơi tấn công”.
Điều cuối cùng có lẽ Gary Neville cũng đang nghĩ tới, nhưng không dám nói? Đó là một lời khuyên cho những chú nhóc đang bắt đầu làm quen trái bóng, chập chững bước vào các lò năng khiếu. Hãy chọn một “chức danh” liên quan đến bóng đá tấn công, hoặc đừng bao giờ sắm vai hậu vệ. Đại khái như vậy...
khương duy