Phía Man City đã cung cấp các “bằng chứng toàn diện” về sự vô tội của họ lên cơ quan điều tra thuộc UEFA. Đội bóng thành Manchester phản bác những cáo buộc về việc họ vi phạm Luật công bằng tài chính. “Tất cả đều là những tin đồn thất thiệt xuất phát từ việc tiếp cận bất hợp pháp các văn bản, email của CLB”, người phát ngôn của Man City tuyên bố.
Trước đó, Tiểu ban kiểm soát tài chính các CLB của UEFA (Uefa’s Club Financial Control Body - CFCB) đã kiến nghị lên cơ quan đầu não bóng đá châu Âu về việc Man City vi phạm Luật công bằng tài chính. Người đứng đầu CFCB là cựu thủ tướng Bỉ, Yves Leterme, đề xuất án phạt cấm Man City tham dự Champions League trong một mùa giải. Đây là án phạt rất nặng mà chỉ UEFA mới có thẩm quyền ban ra. CFCB, trong quyền hạn của họ, chỉ có thể phạt Man City dưới hình thức khiển trách, cảnh cáo với số tiền phạt tối đa 100.000 euro.
Cơ sở để CFCB luận tội Man City là những thông tin được tờ Spiegel (Đức) tiết lộ vào cuối năm ngoái. Theo đó, đội chủ sân Etihad được công ty mẹ Abu Dhabi United Group rót ít nhất 70 triệu bảng dưới vỏ bọc là các hợp đồng tài trợ. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng Luật công bằng tài chính vốn không cho phép các CLB nhận tiền trực tiếp từ chủ sở hữu.
UEFA sẽ có 48 giờ xem xét kiến nghị từ CFCB trước khi kết luận Man City có vi phạm hay không. Trong trường hợp bị UEFA khép tội, đội bóng của Pep Guardiola vẫn có quyền kháng cáo thậm chí là kiện lên Tòa án trọng tài thể thao. Tuy nhiên, một kết cục bi đát cho nhà ĐKVĐ Premier League là rất khó xảy ra. Bởi lẽ, việc khẳng định một CLB lách luật bằng các hợp đồng tài trợ là điều vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian thu thập chứng cứ. Đừng quên một trường hợp tương tự là PSG cách đây 2 năm từng bị UEFA điều tra về hợp đồng tài trợ “mờ ám” với Tổng công ty du lịch Qatar. Nhưng cho đến thời điểm này, UEFA vẫn chưa điều tra xong.
Ngoài ra, lệnh cấm Man City tham dự một mùa giải Champions League mới chỉ là kiến nghị từ CFCB. Điều đó không có nghĩa UEFA sẽ áp nguyên lệnh cấm này lên Man City. Năm 2014, Man City (và PSG) từng bị UEFA phạt do vi phạm tài chính, với số tiền phạt 60 triệu bảng đồng thời phải giảm số cầu thủ trong đội hình tham dự Champions League 2014/15. Một số tiền khổng lồ nhưng thực tế chẳng hề hấn gì với gã nhà giàu thành Manchester.
Thế nên, nếu UEFA tiếp tục “giơ cao đánh khẽ” thì cũng là điều không quá khó hiểu. Những đội bóng hàng đầu như Man City quá quan trọng với Champions League để UEFA biết phải “phạt” ra sao.
Arsenal chờ hưởng lợi Trong trường hợp UEFA loại Man City khỏi Champions League 2019/20, suất tham dự giải đấu này của đội bóng thành Manchester sẽ được chuyển xuống cho Arsenal, đội đứng thứ 5 tại Premier League 2018/19. Tuy nhiên, hiện chưa xác định án phạt (nếu có) sẽ loại Man City tại Champions League mùa 2019/20 hay mùa 2020/21. |