Có một câu chuyện vẫn mang tính thời sự, đó là những tranh luận về đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền. Có thể lấy vài ví dụ, từ cải tiến này sẽ biến cách viết từ “Bóng đá” thành “Bóq dá”, “Cầu thủ” thành “Kầu Wủ”...
Công trình này đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, trong số ấy rất nhiều người sẵn sàng “ném đá” vào cá nhân ông Hiền. Ở đây, chúng ta chưa nói đến chuyện đúng hay sai về chuyên môn, mà chỉ bàn đến thái độ kỳ thị với “công trình mới” của một bộ phận dư luận.
Thật ra cái mới có thể thất bại ngay từ đầu, thậm chí đến hàng thế kỷ sau vẫn chỉ là một công trình không có ý nghĩa ứng dụng. Vấn đề đặt ra ở đây là người ta quá vội phán xét để rồi áp đặt những cảm xúc, thậm chí “bóp nghẹt” khiến cho những cái mới không có lấy một cơ hội tồn tại.
Cần ghi nhận sự tiến bộ tích cực của U23 Việt Nam. Ảnh: Anh Khoa
Trở lại chuyện bóng đá. 3-4-3, thực ra là một sơ đồ chiến thuật đã cũ nhưng lại đang trở thành một trào lưu mới ở giải Ngoại hạng Anh và HLV Park Hang-seo đã áp dụng nó cho U23 Việt Nam. Dường như, ông Park không còn thử nghiệm mà đã quyết định sẽ sử dụng sơ đồ này cho VCK U23 châu Á 2018.
Ông Park chứng minh mình không phải là người duy ý chí và rõ ràng nhà cầm quân này có cái lý sau 3 trận đấu đã qua tại giải M-150. Đặc biệt, sau trận thắng 2-1 trước U23 Thái Lan, càng có ý nghĩa rất lớn để U23 Việt Nam theo đuổi sơ đồ nói trên.
Ông Park mang sơ đồ “tân thời” 3-4-3 để áp dụng cho bóng đá Việt Nam có cái gì đó na ná giống như ông Bùi Hiền mang chữ “Bóq dá” vào tiếng Việt. Như đã đề cập, còn quá sớm để phán xét ông Park thành công hay thất bại. Bây giờ, chúng ta hãy dành sự tôn trọng cho “công trình” ấy. Vì suy cho cùng, đó cũng là một hướng đi mới sau sự thất bại của những cái cũ.