Đào tạo trẻ là chìa khóa của thành công
Trong cả ngày hôm nay, chúng tôi đã cố nối máy với bầu Đức để để chúc mừng, để thực hiện một cuộc đối thoại và gửi tới ông câu hỏi của một độc giả đã nhắn đi, nhắn lại : “Tại sao, bầu Đức không có mặt ở Hà Nội để đón U23 Việt Nam và những “đứa con” của mình trong lần vinh quy bái tổ?”. Tuy nhiên mọi nỗ lực đều bất thành. Mãi cho đến chập tối, những tín hiệu vui đã đến ở đầu dây bên kia, nhưng rốt cuộc chẳng có cuộc đối thoại nào diễn ra thay vào đó là một cuộc hỏi nhanh đáp gọn.
Như mọi khi, bầu Đức vẫn mở lời như phong cách của ông: “Hỏi về U23 Việt Nam hả? Thôi có gì thông cảm nhé. Nói ra nói vào, người ta lại nghĩ không tốt nên thôi vài câu đi thẳng vào vấn đề ngay đi”.
Tôi nghe được sự gấp gáp nên cũng chỉ gửi lời chúc mừng và đặt cho bầu Đức một câu hỏi mà tôi cho là “đắt” nhất: Theo góc nhìn của ông thì BĐVN cần phải làm gì để lứa U23 vươn lên đẳng cấp châu lục và thế giới? Không một giây chần chừ, bầu Đức đáp luôn: “Tôi có thể nói gọn thế này, chỉ có đào tạo trẻ bài bản, cho ra lò những cầu thủ có tài, có đức mới có thể nghĩ đến việc chinh phục những giải đấu của châu lục và cả thế giới. U23 Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Bản thân tôi đã làm 11 năm qua, ngoài ra có Hà Nội FC, có Viettel, SLNA, VPF... Nhưng từng đó vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm lực mà chúng ta đang có. Tôi nghĩ rằng, sau cú hích của U23 Việt Nam, công tác đào tạo trẻ cần phải được nhân rộng, đầu tư chiến lược, dài hơi.... đó mới là bàn đạp để tiến xa một cách vững bền, bằng không sẽ chẳng nên cơm cháo gì”.
Bầu Đức là người cuồng tín với bóng đá
Bầu Đức rất thẳng thắn! Ông không nửa lời đường mật, hay nhắc đến những kỳ tích của U23 Việt Nam, vốn có công lao rất lớn của một ông bầu nổi tiếng là làm bóng đá “chẳng giống ai”. Đến đây tôi lại nhớ đến lời chia sẻ của Trưởng đoàn HAGL - ông Nguyễn Tấn Anh: “Anh Ba Đức đang chơi bóng đá. Cái chất chơi của anh ấy không phải cho vui mà là của một người cuồng tín, đam mê đến bất tận.
Anh ấy luôn canh cánh suy nghĩ, làm sao để vững bền, làm sao để bóng đá phải nuôi được bóng đá. Anh ấy chơi để tận hưởng và chinh phục, muốn biến giấc mơ của anh ấy cũng hàng triệu người dân Việt Nam thành hiện thực. Nên đừng hỏi về tiền bạc, thời gian, công sức bởi ngay cả tập đoàn khó khăn nhất, thì anh ấy vẫn nói rằng, phải giữ bằng được Học viện HAGL-JMG, phải giữ lấy đội bóng rồi mọi thứ tính sau”.
HLV Park Hang Seo và cú sốc ở Hàm Rồng
Một sáng cuối tháng 10/2017, trung tâm huấn luyện Hàm Rồng (Gia Lai) đón một vị khách rất đặc biệt, đó là tân HLV trưởng ĐT Việt Nam - Park Hang Seo. Thú vị hơn, “hướng dẫn viên” cho ông Park chính là ông Đoàn Nguyên Đức. Các học viên rỉ tai tôi, phải hơn 1 năm nay, bầu Đức mới lại xuất hiện ở Hàm Rồng, ngay cả khi đội đã ký hợp đồng với GĐKT Chung Hae Seong. Tôi thầm nhủ, có lẽ ông Park phải là “Ngài Đặc Biệt” mới có được vinh dự như thế.
Đứng ngay căn phòng ngày trước học viên Nguyễn Công Phượng vẫn thường ở, ông Park hướng mắt nhìn ra những hàng thông xanh, cùng 3 sân bóng như những chiếc thảm nhung. Bất chợt, ông quay sang bày tỏ với bầu Đức với giọng kinh ngạc: “Wonderful, Wonderful” (thật tuyệt vời). Từng là trợ lý của của Guus Hiddink ở ĐT Hàn Quốc, hẳn ông Park đã được thưởng lãm nhiều trung tâm bóng đá của thế giới nói chung, của Hàn Quốc nói riêng. Ấy vậy mà, nhìn cơ ngơi của bầu Đức, ông Park không ngớt mỹ từ để khen ngợi hẳn đó không phải là sự xã giao.
Tuấn Anh đã vắng mặt một cách đáng tiếc tại VCK U23 châu Á vì lí do chấn thương
Đúng vậy, trải qua hơn 11 năm, Học viện HAGL-Arsenal JMG (bây giờ là HAGL-JMG) vẫn là một công trình gây ngạc nhiên. Thậm chí, cho đến bây giờ khi trở lại có lẽ nhiều người sẽ không nhận ra khi mà cơ sở hạ tầng được đồng bộ hơn thế nữa với bếp ăn, hệ thống phòng ở, phòng tập gym, hồ bơi, sân cỏ nhân tạo, trường đại học... đã được nâng cấp rất hiện đại. Đây chính là nơi đã đào tạo, dạy dỗ ra những “người hùng” của U23 Việt Nam: Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Xuân Trường, Ngọc Quang, Hồng Duy, cùng rất nhiều tài năng khác như Tuấn Anh, Minh Vương, Đông Triều...
Và cái lò “sản xuất” những “anh hùng xuất thiếu niên” ấy sẽ không bao giờ tồn tại, nếu không có ý tưởng được bầu Đức gói gọn bằng hai chữ “điên rồ” sau cuộc gặp của ông với HLV Arsene Wenger tại London năm 2007. Đã có hàng chục hecta cao su vào vụ được chặt đi, hàng triệu USD được rót vào và một cuộc tuyển sinh, tuyển chọn “gà nòi” quy mô trên khắp cả nước với sự có mặt của hơn 7.000 thí sinh tham gia. Cuối cùng, cái công trình điên rồ ấy cũng chỉ phục vụ cho 16 “viên ngọc thô” và đó chính là “của hiếm” ở U23 Việt Nam bây giờ và cả tương lai.
Bóng đá là người tình trăm năm
Tôi từng hỏi bầu Đức, nếu không có bóng đá thì ông sẽ chơi môn giải trí gì? Cười thật lớn, ông bảo rằng: “Không bao giờ, sẽ không bao giờ có chuyện đó. Tôi chết bóng đá cũng mang theo”. Thực ra, nghe bầu Đức kể chuyện bóng đá từ ngày khai phá “mảnh ruộng hoang” ở Gia Lai để cho ra đời một đội bóng chuyên nghiệp, rồi gây chấn động Đông Nam Á bằng việc mời Kiatisuk và các ngôi sao người Thái, hay bắt tay với Arsenal mở lò đào tạo... có lẽ sẽ cần rất nhiều ngày mới nghe hết và nghe như kiểu bị thôi miên.
Hơn 10 năm, kể từ ngày được đặt chân đến Hàm Rồng, nơi mà ĐT Việt Nam bắt đầu hành trình chinh phục AFF Suzuki Cup 2008 rồi lên đỉnh Đông Nam Á. Tôi chợt ra rằng, những câu chuyện mà ông Đức kể rốt cuộc cũng chỉ có một nguyện ước làm sao đánh bại người Thái để giành chiếc HCV SEA Games.
Các cầu thủ HAGL đóng góp rất lớn trong thành tích của U23 Việt Nam
Tôi đã từng chứng kiến bầu Đức thân chinh dẫn U19 Việt Nam ra trận tại VCK U19 châu Á 2014 với một lứa cầu thủ được đầu tư cả triệu USD, tập huấn tại châu Âu, Nhật Bản, rồi tham dự vô số giải đấu... Ấy vậy mà ông trưởng đoàn ấy đã ngậm ngùi, đắng cay khi đội nhà phải rời giải với vỏn vẹn 1 điểm.
Chiếc HCV mà ông Đức nuôi mộng, từng kiến ông trăn trở, cũng như mất ăn, mất ngủ rốt cuộc chỉ những nỗi buồn vô tận tại SEA Games 2017 trên đất Malaysia. Đã có những giận hờn, đã có những oán trách và đã có những thương cảm cho bầu Đức nhưng như ông tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ bóng đá”. Sự kiên trì và tình yêu ấy đã được đền đáp khi những “báu vật” của ông có những đóng góp rất lớn trong công trình kỳ vĩ mà U23 Việt Nam đã tạo ra tại Thường Châu.
Với chúng tôi cũng như hàng triệu NHM Việt Nam, ngay lúc này có lẽ chỉ biết nói: Cám ơn ông vì tất cả!
3 cột mốc đáng nhớ của HAGL Thành lập học viện Ngày 5/3/2007, Học viện HAGL- Arsenal JMG chính thức được động thổ sau khi chặt bỏ hàng chục hecta cao su. Ở khóa 1, Học viện tuyển sinh được 16 học viên và năm sau sẽ tuyển sinh khóa thứ IV. Suốt 10 năm qua, HAGL phải chi 4-5 triệu USD/năm để bắt tay với thương hiệu Arsenal và được đội bóng này song hành cùng Học viện HAGL-Asenal JMG. Tuy nhiên, đến năm 2018 đôi bên đã chấm dứt hợp tác. Theo tính toán, mỗi năm HAGL bỏ ra khoảng 40-45 tỷ để duy trì học viện, đó là chưa tính những khoản đi lại, tập huấn... Màn chào sân ấn tượng Năm 2013, U19 Việt Nam với nòng cốt các cầu thủ sinh năm 1995 và 1996 của HAGL đã khiến bóng đá Việt Nam “dậy sóng” với lối chơi mãn nhãn tại giải U19 Đông Nam Á ở Indonesia. Một năm sau đó, họ khiến hàng triệu con tim say đắm tại các giải đấu khu vực, đặc biệt là việc đánh bại Australia và các đối thủ khác để giành vé tham dự VCK U19 châu Á 2014. Cuộc "thay máu" năm 2015 Mùa giải V-League 2015 là một cuộc cách mạng đối với HAGL. Sau những thành công nhất định của lứa cầu thủ trẻ của HAGL Arsenal-JMG, bầu Đức đã thực hiện một điều chưa từng có, đó là “thay máu” toàn bộ đội bóng. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối nhiều người nhưng bầu Đức đã kiên quyết giữa vững lập trường khi cho rằng: “Xuống hạng cũng chơi”. |