Schalke bỏ qua yếu tố kinh nghiệm
Khi Markus Weinzierl phải trả giá cho mùa giải tồi tệ bằng chính chiếc ghế của mình, các CĐV Schalke đã nghĩ về một HLV tầm cỡ sẽ tiếp quản Veltins-Arena. Thế nhưng người mà Giám đốc điều hành Christian Heidel mang về lại là Domenico Tedesco.
Vào tháng 1/2013, khi Schalke đánh bại Hannover 5-4, lần cuối cùng họ ghi tới 5 bàn trong một trận đấu ở Bundesliga, Tedesco vẫn chưa chính thức dẫn dắt một đội bóng nào. Phải vài tháng sau đó, người từng là một nhà nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp ở trường đại học mới được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U17 Stuttgart. Ông tiếp tục dẫn dắt các đội trẻ ở Hoffenheim đến tháng 3/2017, rồi trở thành HLV của đội hạng Nhì Erzgebirge Aue. Sau 3 tháng, Tedesco giúp Aue kiếm được 20 điểm và trụ hạng thành công.
Làm thế nào mà Tedesco có thể thuyết phục được Schalke với kinh nghiệm huấn luyện gần như bằng 0? Có lẽ là nhờ tham vọng và phương pháp làm việc khác thường của ông. Triết lý của HLV 31 tuổi (trẻ hơn cả các học trò Naldo, Huntelaar và Riether) là, “tại sao phải chọn giữa tỷ số 4-3 và 1-0, mà không phải là 4-0”.
Các bài tập của Tedesco cũng rất đa dạng, phá vỡ thói quen thường nhật của các cầu thủ và ông sẵn sàng dừng đột ngột để làm rõ nội dung mà mình yêu cầu. Hệ thống chiến thuật chưa bao giờ quan trọng với Tedesco. Với ông, điều cần thiết là khuyến khích các phẩm chất tiềm tàng trong mỗi cầu thủ và luôn đảm bảo họ sẽ ra sân với hơn 100% khả năng.
Nhưng dù thế nào, quyết định bổ nhiệm Tedesco cũng quá phiêu lưu với Schalke. Không ai chắc chắn phương pháp của ông này sẽ phù hợp với Schalke, đội bóng có tổng giá trị đội hình cao thứ 4 Bundesliga (217 triệu euro) và tập hợp nhiều ngôi sao cá tính.
Leverkusen chỉ cần “cầu thủ thoải mái”
Schalke không phải là đội duy nhất mạo hiểm. Leverkusen cũng gây sốc khi đặt số phận đội bóng vào tay Heiko Herrlich. Khá hơn Tedesco một chút, Herrlich từng trải qua sự nghiệp cầu thủ (khởi đầu ở chính Leverkusen) và là một tiền đạo chất lượng. Khi trở thành HLV, ông từng có 1 năm hành nghề ở Bundesliga (cùng Bochum mùa 2009/10, sau đó bị sa thải). Mùa vừa rồi, Herrlich dẫn dắt Jahn Regensburg ở hạng Ba và giúp đội này thăng hạng.
Thành thực mà nói, Herrlich chưa khi nào là mục tiêu hàng đầu của GĐTT Rudi Voeller. Sau khi sa thải Roger Schmidt, Voeller đã cố liên hệ với Lucien Farvre của Nice - nhưng bị từ chối, và Peter Bosz - người vừa rời Ajax đến Dortmund. Không còn lựa chọn nào khác, Leverkusen đành phải bổ nhiệm Herrlich.
Theo Voeller, HLV 45 tuổi này tuy không có kế hoạch chi tiết để xây dựng đội bóng nhưng thuộc mẫu người “có khả năng thuyết phục, chứ không phải ra lệnh”. Và nếu “các cầu thủ cảm thấy thoải mái, họ sẽ lập tức chơi tốt trở lại”.
Lập luận này không phải không có lý, song chỉ mang tính ngắn hạn để rồi đưa đội bóng tới nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Leverkusen, cũng như Schalke, có đầy đủ tiềm lực để cạnh tranh ở Bundesliga. Thứ duy nhất mà cả hai còn thiếu là một HLV có tầm vóc và tầm nhìn chiến lược. Herrlich và Tedesco không có khả năng đáp ứng các tiêu chí đó. Họ là canh bạc thực sự mà cửa thua được dự báo ngay từ khi chưa bắt đầu.