Thế rồi đề tài ấy trở nên đáng bàn hơn khi Leipzig, cái gai trong mắt người Đức giành vé trực tiếp dự Champions League 2017/18, phải chăng đã đến lúc người Đức nên tự cởi trói về tư tưởng cho bản thân.
Nhiều người tự hỏi sao người Đức lại ghét tư nhân hóa bóng đá đến thế, và đấy là câu chuyện rất dài về lịch sử của nước Đức. Năm 1806, binh đoàn của Napoleon Đại Đế đánh chiếm vương quốc Phổ, một cuộc chiến khốc liệt nổ ra ở Jena và Auerstedt. Thua trận, Phổ chịu sự chiếm đóng của Pháp, nhưng đồng thời tạo tiền đề cho chủ nghĩa dân tộc lên cao. Trong đó, việc xây dựng sự tinh nhuệ của quân đội được Tướng Gerhard David von Scharnhorst đặt lên hàng đầu và nền tảng chính là chương trình cải thiện thể chất được Friedrich GutsMuths đảm trách.
Những hội đoàn, CLB về “Turnen” (Thể dục) được thành lập. Lưu ý là thể dục khác hoàn toàn thể thao, vì ở đấy không tồn tại thắng thua, mà nhắm đến việc đoàn kết một dân tộc vốn bị chiếm đóng thời điểm đấy, với mục tiêu đánh bại quân Pháp. Theo thời gian, sức ảnh hưởng của những CLB thể dục lan tỏa khắp nước Phổ. Ngược lại, bóng đá vấp phải sự nghi ngờ của đại đa số người Đức khi cho rằng, đấy là vấn đề làm chia rẽ xã hội, vì thế môn thể thao này phải gia nhập những CLB thể dục nếu muốn tồn tại. Với những nguyên tắc cốt lõi: Phi lợi nhuận, hướng đến cộng đồng, lợi ích cho xã hội.
Điều này lý giải tại sao dù giải VĐQG Đức ra đời từ năm 1903 nhưng mãi đến năm 1963, Bundesliga - giải VĐQG dành cho các đội bóng chuyên nghiệp - mới ra đời. Tuy nhiên, dù bắt đầu đi vào hoạt động chuyên nghiệp nhưng các CLB vẫn trung thành với tôn chỉ ban đầu. Và để giữ được kim chỉ nam ấy xuyên suốt lịch sử, nguyên tắc "50+1" là thứ bất di bất dịch với người Đức để giữ đội bóng luôn thuộc về cộng đồng. Nhưng có vẻ đã đến lúc nguyên tắc này trở nên lỗi thời.
Suốt chiều dài lịch sử Cúp C1/Champions League, ngoài Bayern với sự chống lưng của các đại gia như Adidas, Audi và Allianz, những đội bóng còn lại của Đức hiếm khi đủ sức cạnh tranh chức vô địch. Họ chỉ có Hamburg năm 1983 và Dortmund năm 1997 là hai trường hợp hiếm hoi. Trong khi ở Cúp C2 và C3 châu Âu, họ cũng hoàn toàn bị lép vế so với các đối thủ từ Anh, Italia, Tây Ban Nha, dù ĐT Đức luôn đứng hàng đầu thế giới. Điều này phản ánh rằng, chính sách “50+1” tự làm suy yếu sức cạnh tranh của các đội bóng Đức. Thực tế là ngoài Bayern, hiếm CLB nào đủ sức chiêu mộ những bản hợp đồng trị giá 40-50 triệu euro, trong khi thường xuyên bị các ông lớn châu Âu “hút máu”. Đấy là vấn đề tiền bạc, thứ sẽ quyết định thành bại lớn hơn nữa trong bóng đá hiện đại.
Bayern luôn độc chiếm ngôi đầu cũng vì họ giàu nhất, trong khi phần còn lại không thể tạo ra sự đột phá về ngân sách. Phía sau Bayern và Dortmund luôn là 6-7 đội bóng cạnh tranh cho hai suất dự Champions League, nó hấp dẫn cũng vì chả đội bóng nào quá vượt trội nhưng khi bước ra châu Âu thì thường xuyên bị loại sớm. Leverkusen cũng như Schalke, M’gladbach, hay Bremen. Bóng đá bây giờ hẳn nhiên là cuộc đua của tiền bạc, có thể hôm nay người Đức vẫn khinh miệt Leipzig, nhưng như Chủ tịch Bayern, Uli Hoeness từng nói, rồi cũng sẽ đến lúc nước Đức phải chấp nhận thực tế này.