Hãy nhìn vào hành trình tương tự của Peru. Sau 2 trận đầu thành công (coi như nắm chắc quyền đi tiếp với 4 điểm), Peru thua Brazil 0-5. Rồi họ lại hòa Uruguay 0-0 ở vòng tứ kết, và thắng ĐKVĐ Chile đến 3-0 ở vòng bán kết. Các bạn vẫn chưa thấy chỗ tương đồng? Vậy, hãy mổ xẻ kỹ hơn về các trận đấu.
Trong bóng đá đỉnh cao, dường như chẳng có đội nào thắng đến 3-0 để vào chung kết, mà chỉ chuyền bóng chính xác 69% - như đội Peru trong trận thắng Chile ở vòng bán kết vừa qua. Nói chung, đấy là con số rất lạ. Ở Premier League mùa trước, chỉ có đúng một đội chuyền bóng chính xác dưới 70%. Đấy là Cardiff - đội chủ yếu chỉ chơi bóng dài. Ngay tại Copa America kỳ này, tính theo mức độ trung bình thì đội chuyền bóng chính xác thấp nhất (Paraguay) cũng đã đạt mức 75,8%. Các khách mời đến từ châu Á như Qatar, Nhật Bản đều chuyền tốt hơn.
Đi liền với tỷ lệ chuyền chính xác 69% của Peru trong trận gặp Chile là tỷ lệ giữ bóng chỉ 34,8%. “Tỷ số” sút cầu môn là 19-9 cho Chile, sút chính xác là 7-3 cũng cho Chile. Tất cả nói lên một ưu thế rõ ràng cho Chile. Trừ một điều, dĩ nhiên: Peru thắng, thậm chí thắng đến 3-0. Bóng đá vẫn thường như vậy!
Đấy cũng chính là chi tiết nói lên sự tương đồng trong hành trình vào đến chung kết của Brazil và Peru: họ luôn thành công hơn, trong những trận đấu mà số liệu thống kê kỹ thuật có vẻ như bất lợi cho họ. Khi Peru chiếm ưu thế trước Venezuela, với “tỷ số sút cầu môn” là 17-11, đấy chỉ là trận hòa 0-0. Ở một trận khác, cũng hòa 0-0, nhưng là kết quả tốt đẹp cho Peru vì sau đó họ loại đội mạnh Uruguay bằng những quả luân lưu 11m, thì Peru lép vế, với “tỷ số sút cầu môn” là 9-19.
Brazil bắn phá cầu môn đối phương đến 45 lần (cụ thể: 45-11) trong 2 trận hòa 0-0 với các đội yếu Venezuela, Paraguay. Còn trong 2 trận thắng tổng cộng 7-0 trước Peru và Argentina, Brazil chỉ có “tỷ số sút cầu môn” khá cân bằng: 23-22.
Toàn bộ vấn đề của ứng viên vô địch Brazil nói riêng, cũng như toàn giải nói chung, nằm ở những con số vừa nêu. Xin được lưu ý: Copa America diễn ra trong bối cảnh tất cả các đội Nam Mỹ đều chưa hề thi đấu chính thức từ sau World Cup 2018, và chu kỳ phát triển tiếp theo có lẽ chỉ thật sự bắt đầu trong năm sau, khi Nam Mỹ bước vào vòng loại World Cup 2022. Đây là lúc mà các đội Nam Mỹ đều coi như chưa có sự ổn định (về lực lượng, lối chơi, quan điểm chuyên môn - liên quan đến kế hoạch World Cup 2022). Tình trạng các tuyển thủ trở về từ châu Âu và lắp ráp đội hình một cách cập rập thì chẳng phải bàn.
Một khi còn chưa nhuần nhuyễn, giải pháp duy nhất cho các đội “kèo dưới” là chọn cách chơi cố thủ. Số liệu kỹ thuật (liên quan đến thế trận) khi nào cũng mâu thuẫn với kết quả thực tế chủ yếu là vì vậy. Vì phòng thủ là cách làm dễ, và đội phòng thủ dễ đạt mục tiêu hơn đội tấn công. Brazil quá “dễ thở” khi chính họ phải nghĩ cách phòng thủ an toàn trước Lionel Messi, và bản thân Argentina cũng muốn tấn công.
Như đã nêu, Peru coi như qua đã vượt qua vòng bảng sau 2 trận đầu, nên họ chẳng phải cố thủ nữa khi gặp Brazil (và thua 0-5). Trận chung kết chắc chắn không phải như vậy, đơn giản vì Peru sẽ có cách tiếp cận khác, chủ trương khác (nói thẳng là sẽ “tử thủ”). Brazil dĩ nhiên đã tiến bộ so với chính mình hồi đầu giải. Nhưng họ cần ưu tiên tránh vết xe đổ của Uruguay hoặc Chile.