Bóng Đá Plus trên MXH

Xứ sở của những người đàn ông mặc váy
Nguyễn Khánh • 11:14 ngày 05/02/2014
Myanmar ư? Ở đó có gì ngoài hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu, hạ tầng cơ sở nghèo nàn? Nhưng xứ sở lạ lùng này lại có một niềm đam mê cuồng nhiệt với thể thao, yếu tố Cần và Đủ cho nước chủ nhà SEA Games 27.
    Dẫu sao, ấn tượng mạnh mẽ nhất đọng lại trong tôi sau chuyến đi lại là... những chiếc váy của đàn ông Myanmar và nếp bảo tồn văn hóa mạnh mẽ của đất nước này.

    VẺ ĐẸP LONGYI
    Cố đô Yangon - một trong những địa điểm thi đấu chính của SEA Games 27 - là đích đến đầu tiên của tôi trên hành trình khảo sát điều kiện tác nghiệp cho đoàn phóng viên báo Bóng đá. Với 15.000 kyat (khoảng 300.000 đồng) tôi rời sân bay quốc tế Yangon về trung tâm thành phố trên một chiếc Toyota đời… “Ơ kìa” và một bác tài nói tiếng Anh rất khá.

    Thế là chúng tôi đã đến với Myanmar, một đất nước kỳ lạ, mới được “mở cửa” sau một quãng thời gian dài bị cấm vận nhờ những thay đổi tích cực về mặt chính trị. Xứ sở này còn được bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị truyền thống tuyệt vời của mình.



    Bạt ngàn chùa chiền với hàng nghìn stupa (tháp) cổ kính nằm trầm mặc trong ánh hoàng hôn. Tục lệ ăn trầu có từ nghìn năm nay vẫn bỏm bẻm trên khóe miệng người dân Myanmar, dù đó là những nam thanh nữ tú đang nhoay nhoáy nghịch smartphone hay ông già bà cả đang ngồi thanh thản bên hiên chùa.

    Điều kích thích sự tò mò của chúng tôi nhất chính là những tà váy của nam giới Myanmar - thứ trang phục phổ biến trong cuộc sống đời thường. Chẳng như xứ Scotland, nơi người đàn ông mặc váy ca rô, thổi kèn túi, chạy tung tăng trên mảnh đất đầm lầy. Ở nơi đó, chiếc váy ca rô chỉ còn được mặc vào những ngày lễ hội hoặc dịp trọng đại của dân Scotland.

    Còn ở Myanmar, đàn ông mặc váy suốt ngày, trong lúc làm đồng, chạy xe ôm, đến công sở, trên các công trình xây dựng đang nở rộ như nấm sau mưa, và cả trong những hoạt động thi đấu thể thao. Váy là trang phục tiện lợi vô cùng của nam giới Myanmar, trong cái thời tiết nóng ẩm nơi đây.

    Sự tò mò khiến tôi tìm hiểu về lịch sử chiếc váy này. Ở xứ Miến Điện khi xưa, vì tập tục văn hóa bản địa và điều kiện thời tiết, khí hậu nóng tới 400C nên người dân hầu như chỉ mặc váy cho mát. Váy cho đàn ông có tên là paso, còn váy của đàn bà được gọi là htamain.



    Đến thời trở thành thuộc địa của đế quốc Anh, paso được cải tiến khá nhiều và được gọi là longyi, tương tự như loại váy sà-rông của người Malaysia và Ấn độ.

    Thực chất, longyi là một miếng vải dài khoảng 2m, rộng 80cm, được may dạng hình ống, dài từ thắt lưng đến mắt cá chân. Longyi được vận bằng cách quây quanh người, thắt chéo phần trên và gài lại trước bụng. Hoạt động nhiều khiến longyi lỏng ra, người ta lại thản nhiên cởi ra, quấn lại cho chặt cho dù ở giữa phố phường.

    Quấn longyi, gài điện thoại vào lưng váy, đi dép tông loẹt quẹt, nhai trầu bỏm bẻm, thoa phấn Thanaka (làm từ bột cây táo) để giữ ẩm, dưỡng da là những nét đặc trưng của đàn ông Myanmar. Longyi chính là thứ y phục của cả người giàu lẫn người nghèo trong xã hội Myanmar.

    MẶC VÁY VẪN ĐÁ ĐƯỢC BÓNG

    Đàn ông Myanmar diện váy longyi trong mọi sinh hoạt đời sống từ đi bộ, đạp xe, lái ô tô và cả khi đi ngủ. Hình ảnh đàn ông Myanmar bên trên mặc vest, phía dưới mặc longyi “đóng thùng” phổ biến tại các buổi tiệc, hội nghị hay trong những chiếc xe hơi sang trọng trên đường.



    Mặc váy lòe xòe như thế thì làm sao mà lao động hay chơi thể thao được nhỉ? Câu hỏi đó đã tan biến hoàn toàn khi chúng tôi thâm nhập vào cuộc sống đời thường của dân chúng Myanmar. Cánh bồi bàn quấn longyi nhưng vẫn bưng đồ thoăn thoắt giữa đám đông thực khách, thỉnh thoảng lại dừng lại cởi longyi ra quấn lại cho chặt. Xe ôm, tài xế taxi, người đánh cá, nông dân, phục vụ phòng.... tất cả đều vận longyi mà không hề gặp bất tiện.

    Tại thiền viện Atumashi ở Mandalay (cố đô của Myanmar từ 1859-1885), vào buổi chiều cuối ngày, chúng tôi bắt gặp hàng chục thanh thiếu niên Myanmar đang hăng say chơi bóng đá.

    Tiếng hò hét huyên náo, những bước chạy huỳnh huỵch, những đường banh điệu nghệ được họ phô diễn trong trang phục thi đấu là longyi, dù có người cởi trần, có người mặc áo đấu của Tottenham.



    Thấy chúng tôi đứng thị khán và chụp ảnh, các cầu thủ nhí càng thêm phần hưng phấn. Tà longyi phấp phới theo từng đường bóng. Cũng xoạc, cũng tung người volley, cũng phạm lỗi và tranh cãi. Kết quả là đội có cậu bé mặc áo Tottenham thất bại 1-2.

    - Tại sao cháu mặc áo đấu của Tottenham? - chúng tôi hỏi thông qua người phiên dịch.
    - À, tại cháu thích Gareth Bale.
    - Mặc longyi đá bóng có khó chịu không, có hay bị ngã không ?
    - Rất thoải mái ạ. Còn hơn mặc quần đùi ấy chứ?
    - Thế có bao giờ đang đá bóng thì bị tụt váy không ?
    - Không, chỉ trừ khi bị đối phương kéo váy.

    Chúng tôi cùng bật cười vì tình tiết ấy. Cuộc hội thoại ngắn ngủi kết thúc chóng vánh, vì cậu bé phải về dọn hàng cho bố mẹ - một cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm cạnh chùa Shwenandaw. Những ánh tà dương cuối cùng đã tắt trên mái chùa dát vàng.
    Hình ảnh đất nước Myanmar với những người đàn ông vận longyi đã trở nên thân thiết với chúng tôi, những lữ khách Việt Nam.

    Trong hành lý trở về sau chuyến khảo sát, một tấm longyi cổ truyền của người Myanmar đã đồng hành cùng với chúng tôi. Nếu bạn có bắt gặp hình ảnh vài gã trai vận váy ngồi uống bia hơi vỉa hè ở Hà Nội. Đừng ngạc nhiên, hãy vào đây uống bia và nói chuyện về longyi với chúng tôi.

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay