Theo đó, đại diện lãnh đạo hai đơn vị đã có buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình thực tế và các căn cứ triển khai công tác phòng chống doping và các chất gây nghiện áp dụng cho mùa giải 2024/25. Về phía VFF, có ông Dương Nghiệp Khôi – Tổng thư ký VFF, ông Nguyễn Văn Phú – Phó Trưởng Ban Y học, Trưởng phòng Y học thể thao VFF. Đại diện Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an có Đại tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, cùng các cán bộ đại diện các phòng chức năng của Viện Khoa học Hình sự.
Tại buổi làm việc, VFF và Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an thống nhất quan điểm hoạt động kiểm tra doping, kiểm tra sức khỏe bổ sung đối với các cầu thủ và các thành viên CLB tham dự giải cần phải được tổ chức thường xuyên, qua đó đảm bảo môi trường bóng đá lành mạnh, không doping và an toàn sức khỏe cho các cầu thủ. Hoạt động này cũng sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định của FIFA, của Tổ chức phòng chống doping thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên thực tế, việc kiểm tra doping và các chất gây nghiện tại các giải bóng đá quốc gia đã được VFF thực hiện từ năm 2007 với trung bình trên dưới 50 mẫu thử/mùa giải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động này đã bị gián đoạn và sẽ được áp dụng trở lại từ mùa giải 2024/25 với nhiều sửa đổi, bổ sung trong quy định về kiểm tra doping và kiểm tra sức khỏe đối với cầu thủ bóng đá.
Đặc biệt, nằm nâng cao hiệu quả cho công tác phòng chống doping và các chất gây nghiện tại các giải bóng đá quốc gia, VFF đã mời Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cùng tham gia phối hợp kể từ mùa giải tới. Nội dung kiểm tra bao gồm khám sàng lọc, phát hiện nguy cơ chấn thương. chẩn đoán chấn thương với cầu thủ và có biện pháp phòng tránh và điều trị phù hợp. Lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để phát hiện các chỉ số bất thường và các chất ma túy, chất gây nghiện thông qua lựa chọn ngẫu nhiên từ 2 đến 4 cầu thủ mỗi đội bóng, hoặc cũng có thể không hạn chế mẫu thử trong trường hợp cần thiết.
Cầu thủ có mẫu xét nghiệm phát hiện chất ma túy, chất gây nghiện sẽ bị xử lý vi phạm và bị quản lý theo theo quy định tại Luật phòng chống ma túy và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, đồng thời bị áp dụng hình thức kỷ luật bổ sung theo quyết định kỷ luật của VFF.