Nhìn từ một vòng đấu
Do CLB Hà Nội và Than.QN bận tham dự mặt trận AFC Cup 2017 nên vòng 11 chỉ có 5/7 cặp đấu diễn ra. Đáng chú ý, ngoài chiến thắng 4-0 của Sài Gòn FC trước Long An thì 3/4 cặp còn lại đều kết thúc với tỷ số tối thiểu. Cụ thể, HAGL thắng Quảng Nam 1-0, SHB.ĐN thua Sanna.KH 0-1, Hải Phòng hòa 1-1 trước SLNA và B.BD thắng 1-0 trước TP.HCM.
Thực ra, nếu CLB Hà Nội và Than.QN thi đấu ở vòng đấu này, số lượng bàn thắng có thể tăng lên đáng kể, bởi 2 đội bóng này đang nằm trong số những đội bóng ghi bàn nhiều nhất. Cụ thể, CLB Hà Nội đã có 19 bàn/10 trận, Quảng Nam đã có 17 bàn/11 trận, Than.QN ghi 16 bàn/10 trận và SLNA có 15 bàn/11 trận. Tuy nhiên, nhìn từ 4 cặp đấu đã nêu, có thể thấy V.League đã có những chuyển biến (hay thay đổi) trong chiến thuật.
HLV Vũ Quang Bảo của XSKT.CT từng nói rằng: “Ngoài HAGL, tất cả các đội bóng của V.League đều dựa vào ngoại binh. Các HLV cũng xây dựng chiến thuật xung quanh các ngoại binh. Vì vậy, không quá khi nói rằng, thành bại của các đội bóng đều phụ thuộc các cầu thủ ngoại”. Nhìn từ góc độ này, có thể hiểu tại sao các CLB V.League đang có sự phân hóa thứ hạng. Hay nói cách khác, chiến thuật phục vụ cho cách chơi sẽ quyết định phần lớn thành tích đội bóng đó.
Dù chơi tấn công nhưng Văn Toàn (áo trằng) và các đồng đội ở HAGL không mang đến hiệu quả
Bóng đá phòng ngự đang thắng thế
Ở V.League, HAGL là một trong số những đội bóng lấy lối chơi tấn công làm chủ đạo. Như nhiều người người nhận định, nhìn các cầu thủ của đội bóng phố Núi chơi bóng rất… thích mắt vì nó dựa trên nền tảng kỹ thuật khéo léo cũng như những pha đập nhả được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, xét về sự hiệu quả thì HAGL lại không bằng các đội bóng khác vì họ đang thiếu hẳn một tay săn bàn đúng nghĩa. Tính tới vòng 11, HAGL chỉ mới ghi được 10 bàn thắng nhưng để thủng lưới đến 12 bàn, đây thực sự là con số khá khiêm tốn. Đó cũng là nguyên nhân buộc HAGL đang phải thay đổi chiến thuật để hướng tới sự hiệu quả, thay vì nhập cuộc với tinh thần “tấn công là lẽ sống”.
Cái tên HAGL vốn dĩ được xem là đại diện cho bóng đá tấn công mà còn thay đổi thì không ngạc nhiên khi các đối thủ của họ cũng đổi thay, thậm chí đổi thay triệt để nhằm thích ứng với xu thế. Một trong những điều dễ thấy nhất, chính là các đội bóng đều chủ trương xây dựng “bàn đạp” từ hàng phòng ngự. Nói nôm na, đó là đội hình “8+2” đã trở thành kinh điển của V.League. Tức là 8 cầu thủ đá thấp rồi khi có bóng tập trung cho 2 cầu thủ phía trên tấn công.
Chính vì cách chơi phòng ngự một cách dày đặc theo triết lý “không để thủng lưới trước khi ghi bàn” nên số lượng bàn thắng lớn gần như chỉ xuất hiện trong những trận đấu giữa 2 đội bóng có sự chênh lệch trình độ. Những luận điểm nói trên đã giải thích tại sao, rất nhiều trận đấu dù quyết liệt nhưng lại ít bàn thắng cũng như việc các “ông lớn” có thể “chết bất thình lình”. Đơn cử như việc SHB.ĐN thua đau trước Sanna.KH ở vòng đấu mới đây dù đội bóng này được chơi trên sân Hòa Xuân, vốn được xem là vùng đất dữ của các đối thủ.
Có thể bạn chưa biết Với 22 bàn thắng xuất hiện trong 7 cặp đấu (tỷ lệ trung bình 3,1 bàn/trận), vòng 3 chính là vòng đấu có nhiều bàn thắng nhất tính cho tới thời điểm này. Còn vòng đấu có ít bàn thắng nhất là vòng 8 khi chỉ có 9 pha lập công, tức tỷ lệ trung bình chỉ 1,2 bàn/trận. |