Bóng Đá Plus trên MXH

Tiền đạo Lê Công Vinh: "Lao động là chìa khóa mở ra thành công"
20:21 ngày 29/01/2014
Năm 2013 đánh dấu nhiều thành công của Công Vinh. Đầu năm, Vinh lên chức bố. Tái ngộ SLNA ở V.League, Vinh đã thi đấu khá thành công và được CLB Consadole Sapporo mời sang Nhật thi đấu.
    Cuối năm 2013, Công Vinh lại vinh dự được đích thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời sang thăm nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

    Gặp gỡ với PV báo Bóng đá giữa lúc không khí Xuân đang tưng bừng khắp nơi, Công Vinh háo hức chia sẻ những cảm nhận về đất nước, con người và nền bóng đá Nhật Bản, về tính chuyên nghiệp của cầu thủ Nhật Bản và những hy vọng cho việc sang Nhật thi đấu của cầu thủ Việt Nam.

    “NGƯỜI NHẬT LÀM BÓNG ĐÁ RẤT CHUYÊN NGHIỆP”
    - Công Vinh có thể chia sẻ về cuộc sống bóng đá bên Nhật Bản không?
    + Chỉ có thể nói: Tuyệt vời. Trung bình, lương cầu thủ ở giải hạng Nhì (J.League 2) từ 10.000 - 12.000 USD/tháng. Cầu thủ được bố trí chỗ ăn ở riêng biệt, có trợ lý riêng chăm lo mọi thứ. Khán giả cũng rất tuyệt. Họ luôn cổ vũ hết mình cho đội nhà.

    - Nguồn kinh phí nào giúp CLB chăm lo cho cầu thủ được như thế?
    + Bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình là nguồn thu chính, đảm bảo mọi chi tiêu cho toàn bộ CLB trong một mùa. Chính CĐV là những người nuôi đội bóng. Đó là khác biệt lớn nhất so với bóng đá Việt Nam hiện nay.

    Có nghĩa là bóng đá Nhật nuôi được người làm bóng đá mà không cần dựa vào tài chính của ông bầu hay Nhà nước. Về khoản này, người Nhật làm cực kỳ chuyên nghiệp.

    - Anh có dễ hòa nhập với môi trường bóng đá mới không?
    + Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng là cầu thủ chuyên nghiệp, tôi buộc phải thích nghi nhanh chóng. 


    - Anh đã khẳng định mình như thế nào?
    + Cầu thủ Nhật Bản hơn tôi về thể lực, thể trạng. Hồi đầu, không được ra sân tôi cũng buồn lắm nhưng cơ chế cạnh tranh ở đây công bằng lắm, ai giỏi hơn, hiệu quả hơn thì được tin dùng. Tôi hiểu điều đó nên lặng lẽ phấn đấu.

    Ngoài ra, tôi còn nhận được sự quan tâm của BHL và các đồng đội. Sapporo giống như một gia đình, không khách sáo, không phân biệt đối xử mà luôn đề cao sức mạnh đoàn kết. Tôi thích người Nhật ở chỗ, họ luôn dựa vào nhau để cùng tiến bộ. 

    - Làm thế nào để anh vượt qua những khó khăn?
    + Từ trước tới nay, phương châm sống của tôi là: lao động là chìa khóa mở ra nhiều thứ. Ở Việt Nam, môi trường cạnh tranh ít hơn nên cuộc sống thư thái hơn. Sang Nhật, tôi phải tận dụng mọi thời gian có thể để tập luyện. Tại Sapporo tôi đã rút ra được 1 bài học: một mình thì khó làm nên chuyện nhưng có BHL, có đồng đội, tôi sẽ thành công.

    Những bàn thắng của tôi cho CLB là một ví dụ. Biết tận dụng sự đoàn kết của toàn đội, tranh thủ những cơ hội mà đồng đội kiến tạo, lại có ý thức phải tìm mọi cách để khẳng định tài năng, chính vì thế mà tôi đã nhiều lần lập công, được CLB đánh giá khá tốt. Chỉ tiếc rằng, tôi không thể giúp Sapporo giành quyền thăng hạng J.League 1 ở trận play-off then chốt.

    CẦU THỦ VIỆT NAM ĐỦ SỨC CHƠI BÓNG Ở NHẬT
    - Từng chơi bóng ở Bồ Đào Nha và bây giờ là Nhật Bản, anh có nghĩ cầu thủ Việt Nam đủ sức xuất ngoại thi đấu?
    + Bồ Đào Nha ở trận địa châu Âu đỉnh cao, trình độ chơi bóng của họ vượt xa mặt bằng chung  của cầu thủ Việt Nam. Thế nên, khả năng cầu thủ Việt Nam có cơ hội sang đấy thi đấu là rất hiếm. 

    Riêng với môi trường bóng đá Nhật Bản, cụ thể là J.League 2, tôi nghĩ rằng trình độ của cầu thủ Việt Nam đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, người Nhật ghi nhận nhiều hơn ở nỗ lực phấn đấu cá nhân, tinh thần tập thể nên một cầu thủ muốn thành công thì phải ý thức điều đó.

    - Theo anh, nếu có cơ hội sang Nhật Bản thi đấu, cầu thủ Việt Nam nên nắm bắt?
    + Đúng vậy. Bóng đá và con người Nhật Bản cho chúng ta rất nhiều bài học. Nếu được thi đấu ở đây, cầu thủ sẽ trưởng thành rất nhiều, từ chuyên môn đến tư cách. Tôi nghĩ, nếu ai có cơ hội thì nên nắm bắt, đừng chần chừ. 


    Chúng ta thường suy nghĩ, các CLB nước ngoài có dùng cầu thủ Việt Nam cũng chỉ để làm quảng cáo hoặc đại loại thế. Nhưng ở Nhật Bản, mọi thứ không như vậy nên hễ có cơ hội, các cầu thủ đừng bỏ phí.

    - Nhân dịp Năm mới, anh có điều ước gì dành cho bản thân, CLB và người hâm mộ?
    + Tôi mong ước sẽ cùng SLNA vô địch V.League 2014, đây sẽ là điều vô cùng ý nghĩa và thực sự là khát khao của tôi. Tôi cũng ước có nhiều cơ hội hơn để cống hiến cho ĐTQG, điều mà năm 2013 tôi chưa làm được nhiều.

    Với NHM xứ Nghệ nói riêng, và NHM cả nước nói chung, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất. NHM chính là động lực để tôi hồi sinh trong máu áo SLNA và có cơ hội sang Nhật chơi bóng. Năm 2014, tôi hứa sẽ cống hiến hết mình để không phụ lòng khán giả.

    - Xin chúc Công Vinh một Năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
    LÊ GIÁP (thực hiện) • 20:21 ngày 29/01/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay