Hôm qua, theo dõi cuộc trả lời phỏng vấn của HLV Toshiya Miura, tôi thấy phảng phất quan điểm sống của Nam Cao. Khi nhận được câu hỏi là ông sẽ coi SEA Games hay vòng loại World Cup là lựa chọn hàng đầu, nhà cầm quân người Nhật Bản đã trả lời: “Tôi muốn tập trung cho vòng loại U23 châu Á 2016!”.
Ai cũng có những cái đích lớn. Và, nói cho cùng, ai cũng mưu cầu một tương lai vinh quang mà ở đó, mình là người hùng. Nhưng, tương lai ấy bắt đầu từ hiện tại. Sẽ chẳng thể hoàn thành được những cái đích lớn nếu đội bóng của chúng ta non kém về chuyên môn cũng như bản lĩnh ở sân chơi trước mắt. Nên giờ là lúc ĐT Olympic Việt Nam phải nghĩ đến việc hoàn thiện bản thân, nâng cao nền tảng thể lực và tạo ra lối chơi nhuần nhuyễn để có thể thi đấu thành công ở vòng loại U23 châu Á.
Mấy ngày nay, dư luận bàn tán rất nhiều về cái sự nặng nhẹ của giáo án huấn luyện mà ông Miura đưa ra. Thậm chí, người ta hốt hoảng khi Olympic Việt Nam có hàng loạt ca chấn thương. Nhiều người thì thầm trách, tại sao ông Miura không “nhả khối lượng vận động” để tránh cho học trò những vấn đề về sức khỏe?!
Cổ nhân có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nếu vì cái sự bở hơi tai mà điều chỉnh cả một chu trình huấn luyện thì quả là chí nguy. Bởi, bóng đá là sự đối kháng giữa những người đàn ông, ai mạnh mẽ hơn, người đó giành chiến thắng. Bước ra đấu trường lớn, chẳng ai nương tình mà ra chân nhè nhẹ cho các cầu thủ của chúng ta.
Vậy mới nói, dù yêu lắm cảnh các cầu thủ thêu hoa dệt gấm trên sân nhưng chúng ta phải để họ lao vào tập luyện nhằm trở thành những chiến binh trên sân cỏ. Bởi, nói cho cùng, nghệ thuật dù ở hình thức nào, cũng không dành cho những người yếu đuối.