Anh bạn người Đức có thâm niên sống ở Việt Nam 9 năm cho biết rất hâm mộ bóng đá Việt Nam và đặc biệt là Sài Gòn FC. Và điều mà Cris thấy sướng nhất là Sài Gòn FC lần lượt đánh bại, hoặc khiến các ứng viên vô địch gặp muôn vàn khó khăn.
Thực tình, không chỉ Cris mà cả V.League đã ngóng về sân Hàng Đẫy. Người thì muốn biết bộ cánh mới của sân Hàng Đẫy thế nào? Kẻ thì quan tâm Ngọc Duy, Quốc Long và rất nhiều cầu thủ gốc Hà Nội khác sẽ chơi bóng ra sao khi trở lại thảm cỏ cũ, đối diện với những người thân bên kia chiến tuyến. Nhưng, phần đông lại muốn xem, thế lực mới nổi Sài Gòn FC có dám đá một trận tưng bừng trước ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch Hà Nội FC.
Không thể phủ nhận mối lương duyên giữa hai đội bóng vốn có mối quan hệ thân thiết Hà Nội FC và Sài Gòn FC. Nhưng, nhìn cái cách mà họ chiến đấu với nhau, nhìn cách các cầu thủ ăn mừng, hoặc buồn bã khi thủng lưới thì có thể thấy, trên sân Hàng Đẫy không tình thân. Nói đúng hơn, chuyện tình cảm đã được gác sang một bên và trên sân bóng chỉ có những đối thủ muốn chiến đấu để lập thân, lập danh và kiếm tiền thưởng.
Người ta không thể phủ nhận quá khứ. Người ta càng không thể phủ nhận mối quan hệ xã hội, con người và cả làm ăn. Nhưng, người ta có thể chứng tỏ mình chuyên nghiệp, đàn ông và trung thực bởi cách tiếp cận vấn đề. Nói cho cùng, bóng đá là cuộc chơi, mà đã là chơi thì phải vui, phải đàng hoàng và nhận được sự tôn trọng của cộng đồng. Đó là chưa kể đến việc, các nhà tài trợ cho đội bóng phải bỏ rất nhiều tiền để nuôi dưỡng những cuộc chơi. Vậy thì, tại sao phải chơi “lem nhem”, tính toán? Cứ yêu, cứ phiêu và tự trọng, đó là cách để bạn cứu rỗi cuộc chơi và khẳng định chân giá trị của mình.