ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI
Phóng viên: Dư âm của thất bại trước Thái Lan trong trận play-off vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Là HLV từng gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam, ông cảm nhận điều đó như thế nào?
HLV Mai Đức Chung: Tôi đặt mình ở vị trí của một khán giả và cảm thấy quá nuối tiếc khi mà cơ hội lịch sử đã ở rất gần với ĐT nữ Việt Nam. Buồn nhưng thực tế, tôi cho rằng, đội Thái Lan đã bản lĩnh hơn và xứng đáng với chiếc vé dự World Cup.
- Từ thất bại trong trận đấu được kỳ vọng rất nhiều, hẳn bóng đá nữ Việt Nam đã nhìn nhận ra rất nhiều vấn đề…
- Đúng thế, thất bại cũng là một cơ hội để nhìn lại bóng đá nữ Việt Nam, để tiếp cận với những cơ hội khác. Điều đầu tiên tôi muốn nói, đó là bóng đá nữ Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Tổng cục TDTT, LĐBĐ Việt Nam, các nhà tài trợ và đặc biệt là NHM. Có thể nói, đấy là những điều căn bản nhất để bóng đá nữ được xã hội hóa.
- Bóng đá nữ Việt Nam đã từng 4 lần giành HCV SEA Games (2001, 2003, 2005, 2009) và 2 chức vô địch Đông Nam Á (2006, 2012). Nhưng thực tế, so với các đội bóng hàng đầu châu Á, chúng ta còn thua khá xa về đẳng cấp. Vậy đây có phải là thời điểm, chúng ta cần có một sự cải tổ mạnh mẽ và quyết liệt?
- Không thể nóng vội khi đưa ra những cải tổ nhằm giúp bóng đá nữ Việt Nam rút ngắn khoảng cách về trình độ với các nền bóng đá mạnh ở châu lục và thế giới. Hãy bắt đầu từ việc đào tạo trẻ! VFF đã có chiến lược đào tạo trẻ, cũng như tổ chức các giải đấu trẻ như U16, U19 và đấy là điều rất đúng đắn. Tôi nghĩ, chúng ta nên quan tâm hơn nữa tới bóng đá học đường và trước hết, cần gây dựng đội ngũ huấn luyện thật giỏi để dạy kỹ, chiến thuật vì tư duy bóng đá là điều không thể sửa chữa khi cầu thủ đã trưởng thành.
CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC GIẢI ĐẤU
- Một nền bóng đá muốn có ĐTQG mạnh thì cần phải có các giải đấu cấp CLB chất lượng. Lấy ví dụ, Nhật Bản có 2 hạng đấu dành cho nữ, J-League 1 có 10 đội, J-League 2 có 16 đội và ĐTQG nước này có các lứa U15, U16, U17, U18, U19, U20, U23 và ĐTQG. Còn Việt Nam chỉ có 6 CLB, phải chăng đây là sự khác biệt, thưa ông?
- Để nâng tầm ĐTQG và tìm kiếm những cầu thủ chất lượng, chẳng còn cách nào khác là nâng tầm các giải đấu và bổ sung thêm số lượng CLB, bởi một giải đấu mà một CLB chỉ được chơi khoảng chục trận rồi về nghỉ các cầu thủ có quá ít cơ hội để cọ xát.
- Số địa phương đang làm bóng đá nữ quá ít, vậy chúng ta cần phải làm gì?
- Có nhiều địa phương đã và đang nhen nhóm, đầu tư cho bóng đá nữ, chẳng hạn như Sơn La. Chúng ta cũng có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF. Tôi nghĩ rằng, giải VĐQG có thể tăng thêm số lượng đội bóng, chẳng hạn như để đội U19 QG tham dự. Bên cạnh đó là hỗ trợ các địa phương có tâm huyết, có năng lực tài chính, cũng như phương thức và giáo án đào tạo tốt. Lấy ví dụ, Quảng Ngãi là địa phương rất tiềm năng, nếu được hỗ trợ thì nơi đây sẽ là cái nôi của nhiều cầu thủ nữ xuất sắc. Ngoài ra, chúng ta cần phải mời các đội bóng nước ngoài hoặc đưa các đội ra nước ngoài thi đấu để các cầu thủ Việt Nam học hỏi và nâng cao trình độ. Theo tôi tìm hiểu, Nhật Bản là đất nước rất đáng để chúng ta học tập.
- Câu hỏi cuối cùng, cũng như bóng đá nam, ông có nghĩ rằng, bóng đá nữ cũng cần một giám đốc kỹ thuật không?
- GĐKT là người điều phối, đưa ra những chiến lược cho cả một nền bóng đá. Cụ thể, từ các đội trẻ đến lớn ở các CLB… nên thống nhất một giáo án đào tạo, bởi khi đã định hình được lối chơi, tư duy thì chắc chắn các HLV trưởng ĐTQG sẽ không phải đau đầu phải chỉnh sửa anh này, chị kia từng động tác…
- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
VÀI NÉT VỀ HLV MAI ĐỨC CHUNG
Sinh năm 1951, tại Hà Nội
CÁC CLB ĐÃ HUẤN LUYỆN
- 2009-2010: B.BD
- 2010-2011: N.SG
- 2013- ?: Thanh Hóa
ĐTQG
- 2003- 2005: ĐT nữ Việt Nam
- 2007: Trợ lý HLV ĐTQG
- 2008: U22 QG
- 2012: U19 QG
THÀNH TÍCH
- HLV ĐT nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 2003 và 2005
- HLV U22 Việt Nam vô địch cúp Merdeka 2008
- HLV B.BD vào bán kết AFC Cup và giành ngôi á quân V-League năm 2009.