Bài học đầu tiên chính là tình yêu bóng đá. Hồi 19 tuổi, ông Bảy cũng đã là ngôi sao của đội xóm, cũng đá tiền đạo, cũng thuận chân phải và cũng ghi những bàn thắng quan trọng cho đội nhà. Ông kể: “Có một kỷ niệm mà cuộc đời này tôi muốn quên cũng không được! Đó là một chiều 30 Tết, tôi phải chạy qua 3 quả đồi, băng qua 2 cái ruộng để đến sân thi đấu. Trong lúc cố gắng ghi bàn, tôi đã bị sai khớp chân, không thể đi nổi. Bó lá, bôi thuốc và ăn Tết trên giường bệnh.
Nhưng tôi vẫn yêu, vẫn mê, vẫn thích bóng đá dù bây giờ, cứ trái nắng, trở giời, chân tôi lại đau nhức. Tôi đã nói với Phượng rằng, để được sống với niềm đam mê cả đời của mình, đôi khi con cũng phải chịu những đau đớn!”.
Còn một bài học khác, ấy là cuộc chiến mưu sinh của ông để nuôi Công Phượng và gia đình. Ông Bảy kể tiếp: “Nhà nghèo, tôi phải lưu lạc lên tận Đăk Lăk, vào tận Nha Trang để kiếm việc nhưng tới nơi thì lộ phí đã hết. Tôi phải đi nhặt đồ người ta vứt đi, bỏ vào cái tải mang bán để lấy tiền sống qua ngày trước khi hy vọng kiếm được việc làm nuôi gia đình. Tôi đã bảo với Phượng rằng, người ta muốn mình thất bại thì mình phải cố gắng để thành công! Đó là một cuộc chiến thật sự và cũng là cơ hội để con khẳng định, để con tiến lên”.
Qua những câu chuyện tâm tình của người cha, Công Phượng đã hiểu và biết mình phải làm gì trên con đường lập thân, lập nghiệp mà hành trang chính là những bài học quý từ người cha thân yêu.